Xây dựng hệ thống đê điều đảm bảo an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 21-05-2019 | Lượt xem: 1816
Cùng với sự phát triển của dân sinh, kinh tế-xã hội, việc xây dựng hệ thống đê điều đảm bảo an toàn, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống thiên tai là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Hệ thống công trình đê điều của nước ta hiện có quy mô rất lớn, với chiều dài khoảng 9.300km (gần 2.900km đê biển và 6.400 km đê sông), trong đó có trên 2.700km đê bảo vệ các khu vực có dân số tập trung đông, mức ngập sâu và có nhiều công trình hạ tầng quan trọng của đất nước được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt, tập trung ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long. 

Chú thích ảnh
Các vị trí đê biển bị sạt lở tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu trong trận bão số 10 năm 2017. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Khả năng đảm bảo an toàn chống lũ, bão còn thấp 

Theo Vụ Quản lý Đê điều, Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống đê đến nay chưa đảm bảo đồng bộ theo tiêu chuẩn thiết kế, khả năng đảm bảo an toàn chống lũ, bão còn thấp. Hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại trên 244km đê thiếu cao trình; trên 726km đê không đảm bảo mặt cắt thiết kế; trên 78km đê bị đùn sủi, thẩm lậu, rò rỉ; 448 cống dưới đê yếu, bị hư hỏng nặng và 220km kè bị hư hỏng, có diễn biến sạt lở. Hệ thống đê biển còn 1.983km chưa đảm bảo chống bão, triều cường theo thiết kế. Hệ thống đê dưới cấp III hầu hết còn nhỏ, nguy cơ tràn, vỡ cao. Năm 2017 và 2018, hệ thống đê điều chịu tác động rất lớn bởi thiên tai, bão, lũ lớn làm hư hỏng nghiêm trọng nhiều tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên Huế với chiều dài trên 55km; xảy ra 467 sự cố đê điều tại nhiều tỉnh, thành phố.

Qua đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa lũ, bão năm 2019, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt các địa phương đã xác định 235 trọng điểm xung yếu cấp tỉnh, thành phố và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, sẵn sàng ứng cứu khi có lũ. Mặt khác, công tác đảm bảo an toàn chống lũ của hệ thống đê điều gặp nhiều thách thức thể hiện ở khả năng xảy ra lũ, bão lớn vượt tần suất thiết kế của đê, vượt ngưỡng lũ lịch sử là hiện hữu và có thể xảy bất cứ lúc nào. Khả năng đảm bảo an toàn chống lũ, bão của hệ thống đê còn thấp, mặc dù đã được đầu tư củng cố nhưng vẫn chưa được hoàn chỉnh đồng bộ về mặt cắt chống lũ, thân và nền đê còn tồn tại nhiều ẩn họa có thể phát sinh thành sự cố.

Theo đánh giá của Tổng cục phòng chống thiên tai, hệ thống đê của nước ta chủ yếu được đắp bằng đất qua nhiều thế hệ, chịu tác động lớn của khí hậu mưa, nắng và các hoạt động kinh tế-xã hội như các phương tiện giao thông chạy trên mặt đê, đặc biệt là xe quá tải trọng quy định nên đê bị hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra 17 năm qua, kể từ sau trận lũ 2002, trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình chưa có lũ lớn, dẫn đến tư tưởng chủ quan từ người dân đến cán bộ lãnh đạo các cấp vì cho rằng các hồ chứa thủy điện hiện nay đã đảm bảo an toàn cho hệ thống đê và vùng hạ du, nên lơ là nhiệm vụ quản lý, tu bổ, xử lý các vi phạm đê điều và công tác chuẩn bị, sẵn sàng chống lũ. 

Ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều cho biết: Số vụ vi phạm pháp luật về đê điều tuy có xu thế giảm so với những năm trước đây nhưng vẫn ở mức cao và còn tồn tại nhiều vụ vi phạm với quy mô lớn, phức tạp, kéo dài. Trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, tổng số vụ vi phạm pháp luật về đê điều từ năm 2011 đến hết năm 2018 là 10.184 vụ, giải tỏa, xử lý được 3.076 vụ, còn tồn đọng 7.108 vụ. Trong đó năm 2018 xảy ra 558 vụ vi phạm, đã xử lý được 186 vụ, còn tồn đọng 372 vụ.

Hộ đê và xử lý sự cố đê điều kịp thời là rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn chống lũ của đê. Vì vậy trước mùa mưa lũ hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều hướng dẫn và cùng các địa phương đánh giá hiện trạng, xác định trọng điểm đê xung yếu và xây dựng phương án bảo vệ, xử lý sự cố đê điều và hộ đê. Nhưng công việc này ngày càng trở nên khó khăn do các tuyến đê nhiều chỗ chưa đảm bảo thiết kế, tồn tại nhiều ẩn họa, lũ bão ngày càng cực đoan khó lường, việc huy động vật tư, nhân lực và kinh phí tại các địa phương ngày càng khó khăn.

Hoàn thiện phương án bảo vệ trọng điểm và hộ đê

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho rằng, để đảm bảo an toàn hệ thống đê phục vụ phòng chống thiên tai, trước mắt cần đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, xây dựng hoàn thiện phương án bảo vệ trọng điểm và hộ đê. Chỉ đạo, tổ chức đánh giá toàn diện, thực chất hệ thống đê điều; xác định các trọng điểm xung yếu và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, hộ đê đảm bảo sát thực tế. Tổ chức diễn tập theo các phương án được phê duyệt nhằm rà soát phương án đảm bảo sát thực tế; sự nhuần nhuyễn, kiên quyết trong chỉ đạo của người chỉ huy và kỹ năng thực hiện của người tham gia.

Chú thích ảnh
Bờ kè chắn sóng đang được gia cố tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu

Cùng với đó là việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên UBND các cấp phụ trách, hoặc tham gia ứng trực, xử lý sự cố và hộ đê khi có tình huống xảy ra; rà soát, kiểm tra các lực lượng xác định trong từng phương án trên thực tế. Hiệp đồng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn, nắm chắc quân số, trang thiết bị hiện có và khả năng cơ động để điều động kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời kiểm tra số lượng, chất lượng và phân bố vật tư dự trữ, phương tiện của Trung ương và địa phương trên địa bàn; xây dựng và phân bổ kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện và nhân lực, phương tiện để xử lý sự cố đê điều, hộ đê cần huy động khi cần thiết. Tổ chức thực hiện kiểm kê và ký kết việc chuẩn bị vật tư, phương tiện và nhân lực huy động trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Kiện toàn lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng tuần tra canh gác đê; tổ chức tuần tra canh gác đê trong mùa lũ theo cấp báo động theo quy định; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện công tác tuần tra canh gác đê. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo việc xử lý sự cố đê điều và hộ đê khi có tình huống xảy ra. Quyết định việc huy động nhân lực, vật tư, phương tiện trên địa bàn...

Theo ông Thành, việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn là cần thiết nhằm  ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 104/2017 của Chính phủ, Bộ Luật Tố tụng hình sự và tổ chức cưỡng chế vi phạm theo quy định.

Thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác vận chuyển cát, sỏi ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn, xử lý các vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn. Các tỉnh, thành phố huy động nguồn lực của địa phương, sự tham gia vào cuộc của các tổ chức trên địa bàn để tổ chức thực hiện các nội dung của phong trào thi đua xây dựng đê kiểu mẫu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, theo phương châm làm tốt từng điểm, từng khu vực tạo hạt nhân để các khu vực khác học tập làm theo.

Xây dựng hệ thống kết nối thông tin từ huyện xuống xã và lên các cơ quan chuyên môn của tỉnh để chia sẻ, cập nhật thông tin, phục vụ chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai, đê điều. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cập nhật tiến bộ khoa học, công nghệ mới phục vụ công tác hộ đê, xử lý sự cố đê.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: