GS.TS Trần Thục: Hơn 40 năm cống hiến cho Ngành Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 09-05-2024 | Lượt xem: 1483
Góp phần xây dựng các chiến lược khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu mang tầm quốc gia GS.TS Trần Thục có hơn 40 năm kinh nghiệm về khí tượng thủy văn (KTTV), môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ông đã được giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (2008); Kịch bản BĐKH cho Việt Nam (các phiên bản 2008, 2012 và 2016).

GS.TS Trần Thục sinh năm 1954 tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông theo học chuyên ngành: Thủy văn - Môi trường (Thủy lợi). Năm 1991, ông nhận bằng Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ châu Á (AIT), Thái Lan. Về nước, ông tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học KTTV và Môi trường. Ông đã trải qua nhiều vị trí công tác, từ nghiên cứu viên, nghiên cứu viên cao cấp, đến viện trưởng Viện Khoa học KTTV và Môi trường và nhiều chức vụ quan trọng khác. Ông được bổ nhiệm chức danh PGS năm 2005, GS năm 2012.

Chỉ tập trung vào nghiên cứu khoa học và đào tạo nên khi nhắc đến các vấn đề khoa học của ngành khí tượng thủy văn (KTTV) và biến đổi khí hậu (BĐKH), giới khoa học trong nước và quốc tế luôn nhắc đến tên ông - GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội KTTV Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024; Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Thủy lợi nhiệm kỳ 2018-2023; Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chương trình Thủy văn Liên chính phủ (2004-2024); Chủ tịch Ban chỉ đạo Chương trình Thủy văn Quốc tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương (2005-2006); nguyên Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH; nguyên Đồng chủ tịch Nhóm công tác Việt Nam - Hoa Kỳ về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Với ông, các vấn đề KTTV và BĐKH luôn được đặt trong xu hướng phát triển khoa học, công nghệ cũng như gắn liền với phát triển bền vững.

Ông tham gia xây dựng Luật Khí tượng thủy văn (2015); Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/09/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (2021); Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2024); Luật Bảo vệ môi trường (2014, 2020); Chiến lược quốc gia về BĐKH (2022); Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam (2015, 2020, 2022); Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH (2020); Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020 (2012); Kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH (2016).

Trong số những công trình nghiên cứu, dự án để lại dấu ấn đậm nét của GS.TS Trần Thục phải kể đến Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (2008), Kịch bản BĐKH cho Việt Nam (2008, 2012 và 2016); Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với BĐKH (2015); Bản đồ hạn hán và mức độ thiếu nước sinh hoạt vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (2010).

Ông rất tự hào khi xã hội đã dần công nhận các đóng góp và tính chính xác của dự báo KTTV. “Trình độ chúng ta đang tiệm cận dần với thế giới, cần truyền thông để xã hội biết năng lực dự báo của thế giới và ở Việt Nam” - đây cũng là điều mà ông trăn trở và mong muốn tốt hơn trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực thủy văn, thuỷ lực và tài nguyên nước, các nghiên cứu của GS Trần Thục tập trung vào dự báo lũ và hạn hán, tính toán vận hành hồ chứa; tính toán thủy lực trong trường hợp giả sử vỡ đập, tính toán thủy lực mạng lưới sông phục vụ việc vận hành các công trình phân chậm lũ, thiết kế các đường tràn cứu hộ đê phòng chống lũ hệ thống sông Hồng - Thái Bình; tính toán cân bằng nước lưu vực sông và quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông.

Trong lĩnh vực môi trường, GS.TS Trần Thục đã có những nghiên cứu về tính toán chất lượng môi trường không khí trên quy mô nhỏ (khu vực lân cận nhà máy) phục vụ kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm, và quy mô vừa (vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ) phục vụ quy hoạch môi trường, nghiên cứu tính toán chất lượng nước sông và cửa sông ven biển. Nhận thức được những tác động của BĐKH toàn cầu và Việt Nam, những nghiên cứu của GS.TS Trần Thục trong giai đoạn sau năm 2005 đã tập trung vào việc nhận định những biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam, đánh giá tác động của BĐKH đến điều kiện tự nhiên, các ngành và các địa phương, từ đó xây dựng các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Những thành quả nghiên cứu này đã được đánh giá cao, qua đó ông tiếp tục được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì các nhiệm vụ về BĐKH quan trọng như: xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; xây dựng kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam; xây dựng khung chương trình quốc gia về BĐKH; xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH...

Sự năng động, nhạy bén nắm bắt xu hướng công nghệ thời đại của GS.TS Trần Thục thể hiện ở các đề xuất mang tính chiến lược được ông thường xuyên nhắc đến trên các diễn đàn, các đóng góp, kiến nghị cho lãnh đạo các cấp, đó là cần áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo KTTV. “Hiện tại chúng ta vẫn còn dựa nhiều vào kinh nghiệm của các chuyên gia. Hãy để máy tính tổng hợp các kinh nghiệm đó và đưa ra các tư vấn cho dự báo”- GS.TS Trần Thục nhấn mạnh.

Theo ông, để làm được điều này cần có hạ tầng chuyển đổi số. Cụ thể là hạ tầng về dữ liệu, chúng ta chỉ mới có dữ liệu đo đạc KTTV và hải văn mà chưa có cơ sở dữ liệu lớn về hình thế thời tiết, điều kiện hình thành và tiến triển các thiên tai đã xảy ra trong quá khứ; với hạ tầng về thiết bị, tài nguyên tính toán thì những gì hiện có là chưa đáp ứng được; hạ tầng về công nghệ phân tích cũng cần được phát triển, chuyển giao cho người làm KTTV và hải văn. Theo GS.TS Trần Thục, điều quan trọng nhất là con người. Đội ngũ cán bộ đã được đào tạo khá bài bản về KTTV và hải văn, nhưng chưa có cán bộ được đào tạo về AI…

GS.TS Trần Thục cũng chia sẻ: KTTV và hải văn không chỉ là dự báo, mà phải cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ khí hậu cho xã hội. Rất nhiều ngành kinh tế - xã hội cần thông tin, dịch vụ từ KTTV và hải văn như hàng không, hàng hải, xây dựng, năng lượng, dầu khí, du lịch, thậm chí thời trang, ăn uống... Do đó, cần chú trọng hơn nữa khâu chuyển tải thông tin. Từ số liệu KTTV (kết quả của đo đạc), qua phân tích, tính toán để biến nó thành thông tin (tức là số liệu có ý nghĩa) và cuối cùng biến nó thành kiến thức phục vụ xã hội. Các nhà khoa học cần chuyển tải những thông tin KTTV và hải văn thành sản phẩm, dịch vụ khoa học và công nghệ, khí hậu, đặc biệt biến thông tin thành tri thức.

Về vấn đề BĐKH, GS.TS Trần Thục chỉ rõ những tác động vật lý của BĐKH và tác động của việc chuyển đổi do BĐKH. Việt Nam đã làm tốt công tác ứng phó với BĐKH từ kịch bản BĐKH; đánh giá tác động, giải pháp ứng phó, tích hợp BĐKH… đến các chính sách vĩ mô. Tuy nhiên, có một thực tế là, chúng ta có nhiều nghiên cứu tác động của BĐKH về mặt vật lý, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về tác động chuyển đổi (tác động do chúng ta phải chuyển đổi và tác động do các quốc gia chuyển đổi). Xu hướng của thế giới sẽ là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, AI,… vậy nên Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần có định hướng về các lĩnh vực này.

Để thành công cần có đam mê

Là nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo với hơn 40 năm cống hiến cho ngành KTTV và BĐKH và đạt được nhiều dấu ấn thành công nên ông nhắn nhủ rất “ruột gan” với thế hệ đi sau: “Từng là một nhà khoa học trẻ, sở dĩ hôm nay tôi có một số thành tích tạm cho là hài lòng nên tôi muốn nói với các nhà khoa học trẻ rằng để thành công cần có đam mê. Đam mê là điều kiện đầu tiên, không có đam mê thì không làm được gì. Khi đã có đam mê, hãy kiên định theo đuổi nó, tôi hay nói vui “cắm đầu cắm cổ” mà theo. Có một thực tế, hiện các nhà khoa học thường đi theo chuyên ngành sâu nhưng cần phải rộng hơn nữa, đừng bó hẹp mình. Tôi lấy ví dụ, cá nhân tôi được đào tạo ngành KTTV nhưng sau khi chuyển sang lĩnh vực môi trường, rồi BĐKH nếu không tự đào tạo, không có kiến thức thì làm sao đáp ứng được công việc. Điều tôi muốn nhắn gửi đến các nhà khoa học trẻ: Hãy bắt đầu từ những việc, những nghiên cứu nhỏ để có thể ghép thành bức tranh lớn hơn; các viện nghiên cứu, trường đại học: hãy chia việc lớn thành những việc nhỏ để giao và tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ”.

Ông tâm sự: Nói lời cảm ơn thì hơi khách sáo nhưng không có những người thầy, những nhà khoa học đi trước hướng dẫn tận tình… thì chắc tôi không có kiến thức như ngày hôm nay; không có các đồng nghiệp thì một mình tôi chẳng làm được điều gì; không có các học trò, tôi không có nguồn cảm hứng để nghĩ chủ đề giúp họ làm luận án, rồi chính họ lại là cộng sự quay lại cùng làm việc, còn gì hạnh phúc hơn. Tôi rất tự hào vì học trò của mình đều phát triển về mặt khoa học. Và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến gia đình, bố, mẹ, vợ, con nếu không tạo điều kiện thì chắc chắn không thể có tôi như ngày hôm nay. Tận đáy lòng, tôi cảm ơn vì tất cả.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: