Sông dài thứ hai Nam Mỹ cạn trơ đáy khiến giới chuyên gia lo lắng

Đăng ngày: 07-09-2021 | Lượt xem: 2423
Mực nước của Parana – con sông dài thứ hai ở Nam Mỹ - đã giảm xuống mức thấp nhất trong 70 năm nay khiến các chuyên gia và nhà môi trường lo lắng tìm lời giải.

 

Một nhánh sông gần như khô cạn toàn bộ của sông Parana ở Goya, Corrientes, Argentina, ngày 21/8. Ảnh: AFP

Tình trạng sông Parana khô hạn nghiêm trọng đến mức gây ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển thương mại, sản xuất điện, đánh bắt cá, đi lại cũng như nguồn cung cấp nước uống và tưới tiêu.

Các tác động kéo dài thậm chí còn làm thay đổi địa hình, đất và thành phần khoáng chất của nước sông.

Parana liên kết với tầng ngậm nước Guarani - một trong những nguồn nước ngọt ngầm dưới nước lớn nhất thế giới - và chạy dài hơn 4.000km qua Brazil, Paraguay và Argentina.

Con sông dài thứ hai Nam Mỹ này cũng hợp lưu với các dòng sông ở Paraguay và sông Uruguay tạo thành sông Rio de la Plata rồi đổ ra Đại Tây Dương. Trên đường đi, nó tách thành nhiều nhánh và tạo thành vùng đồng bằng sông Parana ở Argentina, cung cấp phù su cho nhiều vùng nông nghiệp.

“Parana là vùng đất ngập nước tạo ra nhiều hoạt động sản xuất xã hội lớn nhất, đa dạng nhất và quan trọng nhất ở Argentina”, nhà địa chất Carlos Ramonell tại Đại học Quốc gia Littoral cho biết.

Trong khi nhánh chính của Parana tiếp tục chảy thì các mạng lưới kênh tưới tiêu của nó chỉ có 10 - 20% là có nước, phần còn lại là khô cạn.

“Mọi người đã đề cập đến các con đập của Brazil, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu là nguyên nhân nhưng từ quan điểm khoa học, chúng tôi không thể nói như vậy. Rõ ràng là do thiếu mưa, nhưng điều gì đã gây ra tình trạng này?”, chuyên gia Ramonell nói. Theo ông, hiện chưa thể tìm ra ai hay cái gì phải chịu trách nhiệm về hiện tượng sông Parana cạn nước.

Sông Parana rất quan trọng đối với hai quốc gia không giáp biển là Paraguay và Bolivia. Ông Juan Carlos Munoz, Giám đốc hiệp hội chủ tàu sông Paraguay cho biết do tàu không thể chạy trên sông Parana kể từ tháng 4 vì cạn nước nên họ phải vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đến sông Paraguay khiến chi phí tăng gấp 4 lần.

Khoảng 4.000 sà lan, 350 tàu kéo và 100 tàu chở container đang chờ đợi mực nước sông dâng cao trở lại. Thế nhưng, còn ba tháng nữa mới đến mùa mưa. Hoạt động xuất khẩu đậu nành và nhập khẩu dầu diesel của Bolivia đã bị ảnh hưởng.

Vào tháng 5, Brazil đã mở cửa các con đập để cho hàng trăm sà lan đi qua hạ lưu, nhưng mực nước sông vẫn tiếp tục xuống mức quá thấp. Tốc độ dòng chảy trung bình của Parana là 17.000 mét khối/giây, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 6.200 mét khối/giây – chênh không nhiều so với mức thấp kỷ lục 5.800 mét khối/giây được ghi nhận năm 1944.

Tình trạng này đã làm giảm một nửa sản lượng điện của nhà máy thủy điện Yacyreta bắc qua sông Parana. Nhà máy cung cấp 14% lượng điện của toàn Argentina.

Marcelo Cardinali, quản lý của nhà máy Yacyreta chia sẻ: “Năm ngoái, chúng tôi cho rằng mực nước đã chạm đáy nhưng năm nay nó còn tồi tệ hơn”.

Mực nước thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của loài cá vì bị chia cắt khỏi sông chính nơi chúng thường đẻ trứng. Những con suối cạn kiệt để lộ ra vô số đống rác, trong khi đàn gia súc bắt đầu tìm đến các đầm nước cạn để gặm cỏ dại.

Theo Báo Tin tức

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: