Hội thảo khoa học lần thứ 3 trong khuôn khổ hợp tác của UK-MET với cơ quan KTTV các nước Đông Nam Á

Đăng ngày: 09-04-2021 | Lượt xem: 8884

Giới thiệu chung

Trong khuôn khổ hợp tác với UK Met Office, Hội thảo WCSSP-SeA lần thứ 3 được tổ chức từ ngày 22-26/2/2021 với hình thức trực tuyến thông qua phầm mềm Microsoft Teams.

Mục tiêu của hội thảo là giúp các nhà nghiên cứu, các dự báo viên từ Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các nghiên cứu hợp tác trong tương lai, thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia.

Thành phần Đoàn tham gia hội thảo bao gồm:

- PGS. TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Trưởng đoàn

- TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Phó Trưởng đoàn

- Các thành viên tham gia dự án WCSSP và một số dự báo viên ở các phòng chuyên môn của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

- Các dự báo viên Đài Khí tượng cao không, 09 Đài KTTV khu vực.

Mục tiêu và tầm quan trọng của dự báo tác động

Hội thảo tập trung thảo luận và trao đổi các vấn đề xoay quanh 3 chủ đề chính của Dự án bao gồm: (1) Khoa học và mô hình hóa quy mô toàn cầu; (2) Khoa học và mô hình hóa quy mô khu vực; và (3) Từ khoa học tới dự báo: Cải thiện các thông tin cảnh báo, dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

- Tìm hiểu các quá trình quy mô lớn (MJO, sóng xích đạo)

- Phát triển các hệ thống mô hình quy mô đối lưu, đồng hóa số liệu

- Phát triển các hệ thống dự báo dựa trên tác động

- Cải thiện dự báo xoáy thuận nhiệt đới

- Tìm hiểu các quá trình quy mô nhỏ, quy mô đối lưu liên quan tới mưa lớn

- Dự báo định lượng mưa và các thiên tai liên quan tới mưa lớn

- Các phương pháp, công cụ giúp nâng cao độ tin cậy trong dự báo.

Trong đó, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã tham gia 04 báo cáo với các chủ đề như sau:

- Nghiên cứu mối liên hệ giữa MJO và hoạt động của XTNĐ trên Biển Đông (TS. Hoàng Phúc Lâm)

- Đánh giá chất lượng dự báo quĩ đạo bão trên Biển Đông từ các mô hình số trị (TS. Dư Đức Tiến)

- Đánh giá chất lượng dự báo mưa từ mô hình ECMWF và WRF-ARW năm 2020 trên lãnh thổ Việt Nam (TS. Dư Đức Tiến)

- Phân tích đặc điểm của đợt mưa đá ngày 24-25/1/2020 và khả năng dự báo mưa đá ở các tỉnh Bắc Bộ, Việt Nam (ThS. Lê Thị Hồng Vân)

Ngoài các phiên họp tổng thế, Hội thảo còn có chia thành các nhóm thảo luận với các chủ đề khác nhau như:

- Xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo dựa trên tác động: Chia sẻ kinh nghiệm thực tế nhằm nâng cao hiệu quả của các thông tin dự báo, cảnh báo.

- Nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa sử dụng mô hình quy mô đối lưu và dự báo tổ hợp

- Nâng cao chất lượng dự báo xoáy thuận nhiệt đới.

- Phương pháp, công cụ cải thiện độ tin cậy trong dự báo.

Các chủ đề được thảo luận đều được đảm bảo có ý kiến, thông tin từ các nước thành viên tham gia Dự án, đồng thời, các nước cũng cử đại diện để chủ trì ít nhất 01 chủ đề thảo luận. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã cử TS. Hoàng Phúc Lâm chủ trì nhóm thảo luận về xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo dựa trên tác động.

Hội thảo đã thành công với rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận và chia sẻ. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia kiến nghị tiếp tục tham dự các hoạt đọng trong khuôn khổ dự án WCSSP-SeA. Ngoài ra, các dự báo viên, nghiên cứu viên của Trung tâm nói riêng và Tổng cục nói chung sẽ tiếp tục khai thác một số sản phẩm dự báo chi tiết về mưa từ hệ thống của UK Met Office để đánh giá khả năng tăng cường chất lượng dự báo mưa trong nghiệp vụ trên khu vực Việt Nam, đồng thời tích cực hợp tác với cộng đồng các nhà khoa học của UK và các nước trong khu vực để đăng tải các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

                                                    TS. Dư Đức Tiến, TS. Hoàng Phúc Lâm

Vụ KHCN tổng hợp

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: