MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN SỐ THÁNG 1 NĂM 2024

Đăng ngày: 07-11-2023 File đính kèm
Số 757 tháng 1 năm 2024

TT

Tên bài và tác giả

Số Trang

1

Ứng dụng mô hình DSSAT dự báo năng suất lúa ở đồng bằng sông Hồng

Trần Thị Tâm1*, Nguyễn Đăng Mậu1, Trịnh Hoàng Dương1, Nguyễn Thị Ngọc Anh2, Phạm Đình Thản2, Lê Duy Linh2

1Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; trantam1810@gmail.com; mau.imhen@gmail.com; hoangduongktnn@gmail.com

2Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; anhnguyenngoc.inest@gmail.com; thandinhpham1906@gmail.com; lebadao25082003@gmail.com

*Tác giả liên hệ: trantam1810@gmail.com; Tel.: +84–979920926

Tóm tắt: Các mô hình cây trồng có vai trò lớn trong việc hỗ trợ quản lý nhằm tăng năng suất và xác định sự cân bằng giữa năng suất, hiệu quả sử dụng tài nguyên và tác động của môi trường. Bài báo ứng dụng mô hình DSSAT - CERES - RICE (Decision Support System for Agrotechnology Transfer - Crop Environment Resource Synthesis (CERES) - Rice) là hệ thống hỗ trợ quyết định chuyển giao công nghệ nông nghiệp với mô đun tổng hợp tài nguyên môi trường của cây lúa nhằm dự báo năng suất lúa ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn 2017-2021. Kết quả mô phỏng cho thấy: Trong vụ đông xuân, chênh lệch giữa năng suất mô phỏng và năng suất thực tế dao động trong khoảng 4,92-6,09 tạ/ha; Trong vụ mùa mức chênh lệch này dao động từ 4,32-4,81 tạ/ha. Sai số tuyệt đối trung bình (MAE) trong vụ đông xuân là 0,05 tạ/ha, trong vụ mùa là 0,07 tạ/ha. Sai số quân phương (RMSE) trong vụ đông xuân là 0,37 tạ/ha và trong vụ mùa là 0,47 tạ/ha. Kết quả nghiên cứu của bài báo là cơ sở khoa học trong ứng dụng mô hình cho các hoạt động nghiên cứu, trao đổi và cung cấp thông tin giữa các đơn vị nghiên cứu và các đơn vị ứng dụng. Đồng thời, các kết quả trong bài báo này cũng là cơ sở để hoạch định các kế hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp ở vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng có khả năng áp dụng.

Từ khoá: DSSAT - CERES - RICE; Dự báo năng suất lúa.

1

2

Cân bằng nước lưu vực sông La Ngà bằng mô hình Mike Hydro

Nguyễn Văn Hồng1*, Phạm Ánh Bình1

1Phân Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; nguyenvanhong79@gmail.com; binhpi1909@gmail.com

*Tác giả liên hệ: nguyenvanhong79@gmail.com; Tel.: +84–913613206

Tóm tắt: Nghiên cứu ứng dụng mô hình cân bằng nước MIKE HYDRO để đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng nước khác nhau trên lưu vực sông La Ngà. Kết quả tính toán cho thấy vấn đề thiếu nước sử dụng tập trung ở vùng hạ lưu sông với tổng lượng nước thiếu cả năm trên toàn lưu vực sông (LVS) chiếm khoảng 16,1-16,4% tổng nhu cầu sử dụng nước, thời gian thiếu nước nhiều nhất vào tháng II-V (4,2-26,2%). Do sự phân bố nguồn nước không đều theo thời gian và không gian cùng với tình hình diễn biến bất thường của thời tiết dưới tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho sự thiếu hụt nước ngày càng nghiêm trọng hơn vào năm 2030. Kết quả sẽ là cơ sở dữ liệu để đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ về hiệu quả và tính bền vững trong kiểm soát và khai thác tài nguyên nước mặt ở LVS La Ngà.

Từ khoá: Cân bằng nước; MIKE HYDRO; Lưu vực sông La Ngà.

11

3

Nghiên cứu đánh giá xu thế biến đổi nhiệt độ giai đoạn 1980-2021 tại tỉnh Bình Thuận

Nguyễn Hồng Trường1*, Trần Văn Sơn2, Đặng Văn Cầm3

1 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ; Truongmeteo@gmail.com

2 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM; tvson@hcmunre.edu.vn

3Sinh viên Khoa Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; camdangktphanthiet@gmail.com

*Tác giả liên hệ: Truongmeteo@gmail.com; Tel: +84–905490246

Tóm tắt:  Trong những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên do nhiệt độ tăng tác động đến đời sống kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận. Dựa trên số liệu thực tế đo đạc tại tỉnh Bình Thuận, nhóm tác giả sử dụng số liệu trong 42 năm qua (1980-2021) về nhiệt độ của 03 trạm khí tượng cơ bản: Phan Rí, Phan Thiết và La Gi để đánh giá xu thế đổi nhiệt độ của tỉnh Bình Thuận. Kết quả cho thấy xu thế biến đổi nhiệt độ có tốc độ tăng giảm qua từng giai đoạn và có sự khác nhau giữa các vùng nghiên cứu. Trong giai đoạn 2011-2020, nhiệt độ trung bình 3 trạm đều tăng so với các thập kỷ trước từ 0,07ºC đến 0,151ºC. Nhiệt độ tối cao tuyệt đối tại trạm Phan Thiết, Phan Rí có tốc độ tăng nhanh, tốc độ tăng xấp xỉ 0,058oC đến 0,098oC, riêng La Gi xu thế giảm chậm (-0,0176ºC). Nhiệt độ tối thấp tuyệt đối tăng nhưng không có sự chênh lệch nhiều giữa các trạm, đều tăng nhanh với tốc độ tăng xấp xỉ 0,0120oC đến 0,091oC và có xu hướng tăng chậm hơn so với thời kỳ từ 2001 đến 2010. Nhiệt độ cực tiểu tăng với tốc độ chậm hơn so với cực đại làm cho khoảng cách chênh lệch giữa hai giá trị cực trị giảm đi, chính sự tăng lên của nhiệt độ tối thấp góp phần quan trọng trong quá trình ấm lên vì nhiệt độ tối thấp cao đồng nghĩa đêm ấm kéo dài và sẽ làm nhiệt độ cao duy trì trong thời gian dài làm ảnh hưởng tới các hiện tượng cực đoan như nắng nóng, hạn hán.

Từ khoá: Xu thế; Nhiệt độ; Cực trị.

25

4

Ước tính giá trị kinh tế sử dụng của nước tưới cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

Đỗ Thị Ngọc Bích1*, Nguyễn Tú Anh1, Nguyễn Thành Long1, Hoàng Bích Ngọc1, Nguyễn Hoàng Bách1

1Viện Khoa học tài nguyên nước; bichdam555@gmail.com; tuanhevp@gmail.com; longnt.works@gmail.com; ngocbhoang22@gmail.com; bachnh46@wru.vn

*Tác giả liên hệ: bichdam555@gmail.com; Tel: +84–904642373

Tóm tắt: Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong tám lưu vực sông lớn liên tỉnh của Việt Nam, nơi phải đối mặt với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề cấp nước tưới cho ngành nông nghiệp. Để hướng tới sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, việc ước tính giá trị kinh tế sử dụng của nước tưới là cần thiết để làm cơ sở cho việc định giá và điều tiết các dịch vụ tưới tiêu. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu ước tính giá trị kinh tế sử dụng của nước tưới cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn bằng phương pháp số dư RIM đối với bốn loại cây trồng chính là lúa, ngô, cao su, rau màu. Kết quả tính toán cho năm 2020 thu được giá trị kinh tế sử dụng nước tưới toàn lưu vực là 4.344 đồng/m3. Do giá trị này chịu ảnh hưởng lớn bởi năng suất cây trồng, chi phí sản xuất và lượng nước sử dụng, nên việc đầu tư tối ưu hóa các biến số này là chìa khóa để gia tăng giá trị kinh tế sử dụng của nước tưới.

Từ khoá: Giá trị kinh tế nước tưới; Phương pháp số dư; RIM; Vu Gia - Thu Bồn.

39

5

Nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí về giám sát biến đổi khí hậu phục vụ sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chế định giám sát biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Nguyễn Trần Linh1*, Bùi Đức Sơn1, Vũ Ngọc Linh2

1Văn phòng Tổng cục; nguyentranlinh99@gmail.com; buisonv179@gmail.com

2 Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn; vungoclinh.vnu@gmail.com

*Tác giả liên hệ: nguyentranlinh@gmail.com Tel.: +84–986289899 Tóm tắt: Năm 2015, Luật Khí tượng thủy văn được ban hành, đánh dấu mốc đầu tiên các hoạt động khí tượng thủy văn tại Việt Nam được quản lý bằng pháp luật. Ngoài các chế định về hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông tin, dữ liệu, giám sát biến đổi khí hậu đã cũng đã được chế định tại Chương V của Luật. Ngay sau khi luật có hiệu lực, hệ thống các quy định về quan trắc, dự báo, cảnh báo và thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn ngày càng được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của ngành khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật đối với nội dung giám sát biến đổi khí hậu đang gặp nhiều khó khăn do các quy định chưa phù hợp với thực tiễn, có ít các văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết. Do đó, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế định về giám sát biến đổi khí hậu là cần thiết và cấp bách. Bằng phương pháp tổng hợp, phân tích theo cách tiếp cận hệ thống, nhóm tác giả đã đề xuất bộ tiêu chí giám sát biến đổi khí hậu và tiến hành điều tra, khảo sát để lấy sự đồng thuận của các tổ chức, cá nhân. Tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, các tiêu chí đều nhận được sự đồng thuận cao. Kết quả bộ tiêu chí là sản phẩm từ nghiên cứu, chọn lọc các điểm mới về giám sát biến đổi khí hậu, do đó đảm bảo tính mới, tính khoa học để hỗ trợ cho hoạt động bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện chế định về giám sát biến đổi khí hậu.

Từ khoá: Giám sát biến đổi khí hậu; Chế định; Bộ tiêu chí.

51

6

Nghiên cứu khả năng của mô hình học máy GB và SVR trong thành lập bản đồ nguy cơ lún đất khu vực bán đảo Cà Mau, Việt Nam

Trần Vân Anh1,4, Hà Trung Khiên2*, Khúc Thành Đông2, Lê Thanh Nghị1, Trần Hồng Hạnh1, Doãn Hà Phong3

1Khoa Trắc địa - Bản đồ và Quản lý đất đai, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội;  tranvananh@humg.edu.vn;  lethanhnghi@humg.edu.vn;  tranhonghanh@humg.edu.vn

2Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội; khienht@huce.edu.vn; dongkt@huce.edu.vn

3Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; dhphong@monre.gov.vn

4Nhóm nghiên cứu Công nghệ Địa tin học trong Khoa học Trái đất (GES), Trường Đại học Mỏ - Địa chất; tranvananh@humg.edu.vn

*Tác giả liên hệ: khienht@huce.edu.vn; Tel.: +84–981108991

Tóm tắt: Nghiên cứu này tập trung vào khảo sát khả năng của hai mô hình học máy là Gradient Boosting (GB) và Suport Vector Regression (SVR) trong thành lập bản đồ nguy cơ lún đất cho khu vực bán đảo Cà Mau. Tám lớp dữ liệu là: Độ cao, địa chất, đất, lớp phủ bề mặt, NDVI, độ sâu mực nước ngầm, khoảng cách đến giao thông, khoảng cách đến sông suối được coi là các yếu tố ảnh hưởng nhiều đến lún  đất ở khu vực này. Hai mô hình được huấn luyện trên một tập dữ liệu bao gồm 40 điểm mẫu được cung cấp bởi cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam và các điểm đo lún còn lại được xử lý bằng phương pháp PSInSAR trên tập ảnh Sentinel-1 từ tháng 11 năm 2014 đến tháng 1 năm 2019. Tổng số điểm mẫu đưa vào mô hình là 1001 điểm được chia thành hai tập dự liệu là huấn luyện (70%) và kiểm tra (30%). Công cụ để xây dựng mô hình là nền tảng điện toán đám mấy Google Earth Engine. Hai bản đồ nguy cơ lún đất đã được xây dựng từ tập huấn luyện. Diện tích dưới đường cong AUC đã được sử dụng để đánh giá hiệu suất của mô hình trên cả tập huấn luyện và tập kiểm tra. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng mô hình GB tạo ra bản đồ nguy cơ lún đất có độ chính xác tốt hơn mô hình SVR.

Từ khoá: Lún đất; GB; SVR; GEE; Cà Mau.

60

7

Đánh giá xu hướng biến động mưa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn giai đoạn 1978-2020

Nguyễn Thành Long1*, Nguyễn Tú Anh1, Đỗ Thị Ngọc Bích1, Lê Văn Linh1, Hoàng Thị Thảo1, Nguyễn Hoàng Bách1, Hoàng Bích Ngọc1, Phạm Lan Anh1

1Viện Khoa học Tài nguyên nước; longnt.works@gmail.com; tuanhevp@gmail.com; bichdam555@gmail.com; linhlevan6527@gmail.com; thaohoang0602@gmail.com; bachnh46@wru.vn; ngocbhoang22@gmail.com; plananh.151199@gmail.com

*Tác giả liên hệ: longnt.works@gmail.com; Tel.: +84–948451652

Tóm tắt: Bài báo trình bày những kết quả thống kê, tính toán và kiểm định phi tham số Mann-Kendall để phân tích xu thế mưa tại 16 trạm đo thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong giai đoạn từ năm 1978 đến năm 2020. Kết quả cho thấy xu thế gia tăng lượng mưa theo mùa (mùa khô và mùa mưa) và theo cả năm trên phạm vi toàn lưu vực. Cụ thể hơn, trong cả năm, giá trị phi tham số S mức độ ý nghĩa 95% tại tất cả các trạm đều biểu thị xu hướng tăng. Trong đó, trạm Hiên là trạm ghi nhận sự biến động lượng mưa lớn nhất khi tăng 0,978% (trong cả năm) và tăng 0,758% (vào mùa mưa). Chỉ xét riêng sự biến động vào mùa khô, trạm Khâm Đức cho thấy sự thay đổi rõ rệt nhất khi lượng mưa gia tăng 2,138%. Bài báo cũng đã thực hiện tính toán xu thế Sen cho các xu thế mưa toàn lưu vực vào các giai đoạn được thống kê. Những kết quả nghiên cứu đã góp phần tính toán xu thế biến động về lượng nước đến lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong giai đoạn 1978- 2020, mang ý nghĩa thực tiễn trong quản lý và phân bổ tài nguyên nước hợp lý cho các nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực.

Từ khoá: Xu thế mưa; Phi tham số Seasonal Mann- Kendall; Xu thế Sen.

74

8

Đánh giá hiệu quả quản lý của một số hang động trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh

Trần Thị Minh Hằng1*, Trần Thị Hạnh2, Trần Thiện Cường1

1Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội; hangttm@hus.edu.vn; tranthiencuong@hus.edu.vn

2Ban Quản lý vịnh Hạ Long, 166 Lê Thánh Tông, Hạ Long, Quảng Ninh; tranthihanhbqlv@gmail.com

*Tác giả liên hệ: hangttm@hus.edu.vn; Tel.: +84– 902168955

Tóm tắt: Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá chất lượng quản lý một số hang động đang khai thác trên vịnh Hạ Long sử dụng chỉ số chỉ số đánh giá quản lý (MEI, management effective index) kết hợp với phương pháp điều tra ý kiến các bên liên quan. Kết quả nghiên cứu đánh giá cho thấy các hang động đang khai thác được quản lý ở mức khá tốt với chỉ số MEI từ 51 đến 78. Hang Thiên Cung và Sửng Sốt có điểm MEI trung bình là 76 và 77. Hệ thống chiếu sáng của động Mê Cung sử dụng đèn Halogen, đường đi của hang Đầu Gỗ sử dụng vật liệu gỗ là các tiêu chí làm giảm đáng kể giá trị trung bình của MEI. Đối với hang Cặp La và Hang Luồn, các tiêu chí về sự liên kết, khả năng tiếp cận cận hang động, tính sẵn có của cơ sở vật chất địa phương đáp ứng yêu cầu khai thác và quản lý cũng như sức tải đối với du khách. Điểm mạnh của hai hang động này là không có hệ thống chiếu sáng trong hang và hệ sinh thái trong hang được bảo tồn khá nguyên vẹn. Để khai thác và phát triển bền vững hệ thống hang động vịnh Hạ Long cần phân luồng lại các tuyến điểm du lịch hang động, đánh giá sức tải các điểm tham quan và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Từ khoá: Hang động Karst; Du lịch hang động; Quản lý hang động; Vịnh Hạ Long.

86

 

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất