MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN SỐ THÁNG 3 NĂM 2024

Đăng ngày: 18-12-2023 File đính kèm
Số 759 tháng 3 năm 2024

TT

Tên bài và tác giả

Số Trang

1

Kết hợp phương pháp viễn thám GIS và mô hình toán mô phỏng diễn biến đường bờ khu vực cầu Ghềnh, sông Đồng Nai

Tô Viết Nam 1,2, Phùng Đại Khánh 1,2, Đinh Thị Linh 3*

Khoa Kỹ thuật Địa chất & Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM; tovietnam@hcmut.edu.vn; phungdaikhanh@hcmut.edu.vn

2 Đại học Quốc gia Tp.HCM; tovietnam@hcmut.edu.vn; phungdaikhanh@hcmut.edu.vn

3 Đại học Sejong, Seoul, Hàn quốc; dinhthilinh682@gmail.com

*Tác giả liên hệ: dinhthilinh682@gmail.com; +84–987497698

Tóm tắt: Việc đánh giá sự thay đổi đường bờ sông trước khi xây kè lấn sông và dự báo sự thay đổi lòng dẫn sông khi có kè là hết sức quan trọng trong công tác quy hoạch và xây dựng cũng như vận hành đô thị.  Trong thời gian gần đây, công nghệ viễn thám đã nổi lên như một giải pháp vô cùng hữu ích cung cấp cho chúng ta dữ liệu ảnh theo thời gian và không gian với độ phân giải cao. Bài báo giới thiệu một kết quả nghiên cứu, đánh giá, mô tả diễn biến đường bờ của khu vực cầu Ghềnh sông Đồng Nai từ dữ liệu ảnh viễn thám, sử dụng hệ thống phân tích Digital Shoreline Analysis System (DSAS) trong giai đoạn quá khứ từ năm 1988 đến năm 2016 và mô hình toán MIKE 21C để dự báo diễn biến lòng dẫn trong tương lai. Kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ sạt lở trung bình đạt khoảng 0,6 mét/ năm, tuy nhiên khu vực mũi Cù lao Phố đạt 1.83 mét/ năm. Kết quả diễn biến lòng dẫn ứng với lưu lượng tạo lòng cho thấy khả năng bị xói mạnh gần vị trí trước cầu Ghềnh khi thực hiện dự án cải tạo cảnh qua và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.  Kết quả đạt được từ nghiên cứu có thể dùng để dự báo diễn biến lòng dẫn trong tương lai dưới ảnh hưởng của kè sông.

Từ khóa: Phương pháp viễn thám; GIS; Mô hình toán; MIKE 21C; Diễn biến đường bờ.

1

2

Ứng dụng mô hình chất lượng nước MIKE-ECOLAB mô phỏng chất lượng nước khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai theo các kịch bản biến đổi khí hậu

Quách Thái Dương 1*, Lê Hoàng Nghiêm 2, Phạm Thanh Long 1

1 Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; quachthaiduong86@gmail.com; longpham.syhimete@gmail.com

2 Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh; hoangnghiem@hcmure.edu.vn

*Tác giả liên hệ: quachthaiduong86@gmail.com; Tel.: +84–937854979

Tóm tắt: Lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai có hệ thống sông và kênh rạch dày đặc, tuy nhiên, phần lớn các sông và kênh rạch này đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ hoạt động sinh hoạt cũng như từ các khu công nghiệp/khu chế xuất. Đặc biệt là khu vực kênh rạch và vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai chảy qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh. Bài báo này tập trung đánh giá chất lượng nước mặt khu vực ha lựu của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai là vùng cửa biển vịnh Đồng Tranh có xét tới điều kiện biến đổi khí hậu bằng mô hình MIKE 21 FM Ecolab. Kết quả cho thấy, các sông, kênh rạch gần nội đô cụ thể ở đoạn sông Nhà Bè và Vàm Cỏ Đông có chất lượng nước thấp, các chỉ tiêu hầu như ở mức xấu trừ NH4+ và NO3-, vùng cửa biển có chất lượng nước ở mức tốt. Ngoài ra ở kịch bản biến đổi khí hậu RCP4.5 cho năm 2025 nồng độ tăng nhưng không đáng kể tại các sông lớn như Nhà Bè, Vàm Cỏ Đông.

Từ khóa: Mô hình MIKE 21FM Ecolab; Chỉ số chất lượng nước; Sông Sài Gòn - Đồng Nai; Biến đổi khí hậu.

16

3

Nghiên cứu xây dựng Web-GIS công bố bản đồ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Nguyễn Thị Thu Hương 1*, Nguyễn Quang Minh 1

1 Khoa Trắc địa Bản đồ và Quản lý đất đai, Trường Đại học Mỏ - Địa Chất Hà Nội; nguyenthithuhuongtdpt@humg.edu.vn; nqminh@gmail.com

*Tác giả liên hệ: nguyenthithuhuongtdpt@humg.edu.vn; Tel.: +84–904802198

Tóm tắt: Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới, đã có nhiều các nghiên cứu về thành lập bản đồ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Mục đích chính của các bản đồ này là cung cấp các thông tin cụ thể về mức độ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong từng khu vực. Các thông tin này rất hữu ích cho các nhà quản lý quyết định các chính sách, đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả và kiểm soát được sự lan truyền của virus SARS-CoV-2. Trong bài báo này, nhóm tác giả đã nghiên cứu xây dựng một Web-GIS công bố về bản đồ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 (CVI Map) trên địa bàn thành phố Hà Nội, là một hệ thống được tham chiếu chéo, tích hợp, cập nhật thường xuyên các dữ liệu và các tính toán, báo cáo hàng ngày về các trường hợp COVID-19 của thành phố Hà Nội, tạo thành một tài nguyên mở toàn diện, từ đó đưa ra các phương pháp thích ứng phù hợp dựa trên điều kiện dân cư, điều kiện sống, hạ tầng, y tế,... Đây cũng là sự chuẩn bị cần thiết để Hà Nội có thể ứng phó với sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cũng như các bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai.

Từ khóa: COVID-19; Web-GIS; Bản đồ CVI; QGIS; Hà Nội.

32

4

Ứng dụng thuật toán trên nền tảng ngôn ngữ R để nghiên cứu vi nhựa trong nước mặt lục địa, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai

Huỳnh Phú 1, Huỳnh Thị Ngọc Hân 2,3*, Nguyễn Thị Huệ 3, Võ Hoàng Khang 4

1 Viện khoa học ứng dụng HUTECH, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh; h.phu@hutech.edu.vn

2 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh; htnhan_ctn@hcmunre.edu.com

3 Viện Công nghệ môi trường, Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam; nthue2003@gmail.com; ngochanosh@gmail.com

Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh; vh.khang@hutech.edu.vn

*Tác giả liên hệ: htnhan_ctn@hcmunre.edu.vn; Tel.: +84–975397953

Tóm tắt: Nghiên cứu dự báo diễn biến phát tán vi nhựa trong nước mặt lục địa bằng ngôn ngữ lập trình R, thuật toán có chức năng mô hình hóa các đặc điểm hình dạng của vi nhựa theo mùa trong năm và mực nước thủy triều trong ngày. Sử dụng nền tảng R để hình thành hàm phân tích tương quan, thành phần chính dữ liệu, xử lý đa cộng tuyến dữ liệu và phân tích cụm nhằm mục đích dự đoán xu hướng hình dạng của vi nhựa trong nước sông trong thời gian gần. Kết quả ứng dụng nghiên cứu cho thấy tất cả các vị trí lấy mẫu trên lưu vực các sông Sài Gòn - Đồng Nai đều đang có mức vi nhựa dạng sợi cao và tăng tịnh tiến theo các năm. Kết quả nghiên cứu là công cụ hiệu quả trong dự đoán diễn biến thay đổi về đặc điểm, hình dạng của vi nhựa dưới tác động của môi trường, theo mùa trong năm, theo thủy triều lên và xuống. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu này có thể được sử dụng để điều chỉnh các mô hình phù hợp với dữ liệu được thu thập trong điều kiện liên tục, lượng dữ liệu lưu trữ lớn, độ chính xác cao. Cần có sự chú trọng trong nguồn gốc làm phát sinh vi nhựa để có sự kiểm soát và quản lý kịp thời. Đây là công cụ đóng góp quan trọng trong nghiên cứu vi nhựa trong nước sông Sài gòn, sông Đồng Nai và sẽ là ứng dụng rộng rãi cho nghiên cứu vi nhựa nước mặt lục địa.

Từ khóa: Phân tích cụm; Phân tích tương quan đa biến; Phân tích thành phần chính; R; Vi nhựa.

46

5

Xác định độ thấm của cát bằng phương pháp minh giải ảnh chụp cắt lớp trở kháng điện

Tô Viết Nam 1,2*, Khấu Thị Ly 1,2

1 Khoa Kỹ thuật Địa chất & Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM; tovietnam@hcmut.edu.vn; ly.khaudc@hcmut.edu.vn

2 Đại học Quốc gia Tp.HCM; tovietnam@hcmut.edu.vn; ly.khaudc@hcmut.edu.vn

*Tác giả liên hệ: tovietnam@hcmut.edu.vn; Tel.: +84–98438303

Tóm tắt: Kỹ thuật chụp cắt lớp trở kháng điện (Electrical impedance tomography - EIT) đã được ứng dụng rộng rãi trong một số ngành kỹ thuật. Nhưng trong lĩnh vực địa chất, địa kỹ thuật vẫn còn có ít nghiên cứu ứng dụng EIT. Ưu điểm của kỹ thuật này là có thể cung cấp thông tin về đối tượng nghiên cứu mà không cần phải phá hủy mẫu. Bài báo này giới thiệu một nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng EIT trong việc xác định độ thấm của 3 mẫu cát ở điều kiện phòng thí nghiệm bằng việc minh giải ảnh chụp cắt lớp trở kháng điện (EIT). Kết quả minh giải ảnh EIT cho thấy độ thấm của 3 mẫu cát có giá trị lần lượt là 16,30 m/d; 49,46 m/d và 11,94 m/d có sai khác lần lượt là 2,00%, 2,81% và 4,02% so với độ thấm của 3 mẫu cát này nếu được xác định bằng thí nghiệm Darcy. Kết quả này cho thấy tiềm năng của việc ứng dụng EIT trong việc xác định độ thấm của đất đá nói riêng và các tính chất khác của đất đá nói chung trong lĩnh vực địa chất và địa kỹ thuật.

Từ khóa: Từ khóa: Ảnh chụp cắt lớp trở kháng điện; EIT; Độ thấm của cát.

64

6

Ứng dụng mô hình MIKE 11 mô phỏng quá trình xâm nhập mặn vùng ven biển tỉnh Nam Định

Dương Văn Hưng 1, Vũ Thị Hoà 1*, Trần Văn Giáp 1, Võ Văn Hoà 2, Đoàn Quang Trí 3

1 Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Nam Định; hungkttv@gmail.com; vuhoakhtn@gmail.com; trangiap2010@gmail.com

2 Đài Khí tượng Thuỷ văn Khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn; vovanhoa80@yahoo.com

3 Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn; doanquangtrikttv@gmail.com

*Tác giả liên hệ: vuhoakhtn@gmail.com; Tel.: +84–973121678

Tóm tắt: Đồng bằng châu thổ sông Hồng là một trong những khu vực có ngành nông nghiệp chủ đạo, hiện nay các khu vực ven biển Nam Định đang ngày càng bị đe dọa bởi hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng kéo dài và trầm trọng. Nghiên cứu đã ứng dụng mô hình MIKE 11 mô phỏng thuỷ lực, quá trình xâm nhập mặn vùng ven biển tỉnh Nam Định với kết quả hiệu chỉnh năm 2022 và kiểm định cho năm 2023 cho kết quả tương đối phù hợp với chỉ số NASH đạt 0,70-0,78, hệ số tương quan R2 = 0,8-0,92. Kết quả mô phỏng theo 02 kịch bản ứng với tần suất kiệt 90% và tần suất triều 10%; tần suất kiệt 95% và tần suất triều 5% cho thấy hệ thống sông thuộc tỉnh Nam Định đang có hiện tượng nồng độ mặn cao, mặn xâm nhập càng ngày càng lấn sâu vào nội đồng.

Từ khóa: Mô hình MIKE 11; Xâm nhập mặn; Nam Định.

75

7

Xây dựng công cụ và hệ thống giám sát đất nhiễm mặn tại tỉnh Bến Tre

Nguyễn Trọng Nhân 1*, Lê Thiên Bảo 1

Đại Học Tài Nguyên và Môi Trường Thành Phố Hồ Chí Minh; ntnhan@hcmunre.edu.vn; ltbao@hcmunre.edu.vn

*Tác giả liên hệ: ntnhan@hcmunre.edu.vn; Tel.: +84–353164470

Tóm tắt: Đất nhiễm mặn là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng đất trồng, điển hình tại các khu vực giáp biển của tỉnh Bến Tre. Để giám sát quá trình đất nhiễm mặn xảy ra trên diện rộng, nghiên cứu này ứng dụng lập trình GIS để xây dựng công cụ tự động giúp phân vùng nhiễm mặn trong đất bằng phương pháp nội suy IDW trên các điểm đo mặn. Kết quả thành lập bản đồ đất nhiễm mặn cho thấy, phương pháp nội suy IDW được sử dụng khá hiệu quả để mô phỏng bề mặt mặn với hệ số xác định giữa giá trị đo mặn và giá trị nội suy là R2 = 0,81. Bên cạnh đó, mức độ nhiễm mặn cao tập trung tại các huyện ven biển và diện tích đất mặn toàn tỉnh chiếm 41,4% trên tổng diện tích tự nhiên. Nhằm kịp thời đưa ra cảnh báo về mức độ ảnh hưởng bởi mặn, trang WebGIS được xây dựng với chức năng tra cứu và cung cấp số liệu thống kê đất mặn cho từng huyện, cũng như xác định khu vực có mức độ nhiễm mặn cao tại tỉnh Bến Tre.

Từ khóa: Công cụ; Độ mặn; IDW; GIS; WebGIS

87

8

Đánh giá rủi ro của formaldehyde trong cá biển đánh bắt xa bờ tại tỉnh Bình Thuận đối với sức khỏe người tiêu dùng

Trần Thành Đạt 1, Cao Thị Thu Thảo 2, Trịnh Trọng Nguyễn 3, Thái Văn Nam 3*

1 Trường Cao đẳng Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh (HITC); dattranthanh9@gmail.com

2 Phòng Tài nguyên và Môi trường Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình Thuận; thuthao1007@gmail.com

3 Viện Khoa Học Ứng Dụng HUTECH, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; tt.nguyen@hutech.edu.vn; tv.nam@hutech.edu.vn

*Tác giả liên hệ: tv.nam@hutech.edu.vn; Tel.: +84–945007990

Tóm tắt: Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hàm lượng formaldehyde trong các mẫu cá nục và cá ngừ được tiêu thụ tại các cảng và chợ tại Bình Thuận. Các mẫu cá được xác định hàm lượng formaldehyde bằng cách axit hóa bằng axit phosphoric rồi đem chưng cất. Formaldehyde được giải phóng dưới dạng hòa tan trong dịch cất và được phát hiện bằng phản ứng hiện màu với thuốc thử là axit cromotropic. Hàm lượng formaldehyde trong các mẫu cá biển (cá nục và cá ngừ) tại các cảng và chợ dân sinh của Bình Thuận dao động từ 2,77-4,38 mg/kg. Các mẫu cá tại chợ dân sinh có hàm lượng formaldehyde cao hơn các mẫu cá tại cảng. Kết quả nghiên cứu về mức độ rủi gây ung thư cho thấy các mức độ rủi ro sức khỏe đối với người dân tại các khu vực nghiên cứu dao động từ 2,23×10-4 đến 3,53×10-4 thuộc trong khoảng rủi ro mắc bệnh ung thư cao (10-4 ≤ R < 10-2) do đó cần có các biện pháp giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là khi phơi nhiễm kéo dài. Thương số rủi ro của ảnh hưởng không gây ung thư HQ < 1 cho thấy hàm lượng formaldehyde trong cá không có khả năng gây ra tác dụng phụ đối với con người khi tiêu thụ cá biển.

Từ khóa: Bình Thuận; Cá biển; Đánh giá rủi ro; Formaldehyde; Người tiêu dùng.

96

 

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất