MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN SỐ THÁNG 4 NĂM 2022

Đăng ngày: 31-03-2022 File đính kèm
Số 736 tháng 4 năm 2022

TT

Tên bài và tác giả

Số Trang

1

Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu đến sự phát sinh bọ xít muỗi (Helopeltis theivora) trên cây điều tỉnh Lâm Đồng

Dương Văn Khảm1*, Lại Tiến Dũng2, Đặng Quốc Khánh3, Dương Hải Yến1

1Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; dvkham.kttv@gmail.com; duongyen185@gmail.com

2Viện Bảo vệThực vật; dung1172@gmail.com

3 Tổng Cục Khí tượng Thủy văn; khanhdangkhtc@gmail.com

Tóm tắt: Cây điều là một trong những cây thương mại quan trọng ở tỉnh Lâm Đồng. Sản xuất và năng suất điều chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó, bọ xít muỗi (Helopeltis theivora) được coi là loài gây hại chính cho cây điều. Tốc độ phát triển, khả năng sinh sản và phát tán của bọ xít muỗi lại chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu. Trên cơ sở các số liệu khí tượng và các số liệu điều tra khảo sát bọ xít muỗi trên cây điều, bài báo áp dụng các phương pháp thống kê trong khí hậu, khí hậu nông nghiệpnghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố thời tiết, khí hậu và mật độ bọ xít muỗi tại khu vực huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tối cao, lượng mưa, độ ẩm tương đối và số giờ nắng có vai trò quan trọng trong việc gia tăng hoặc suy giảm mật độ bọ xít muỗi trên cây điều. Hệ số tương quan giữa mật độ bọ xít muỗi với nhiệt độ tối cao là –0,79, với số giờ nắng là –0,82 và với độ ẩm không khí là 0,60. Mật độ bọ xít muỗi hại điều cao nhất trùng hợp với giai đoạn ra lộc non, hoa và đậu quả. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng trong việc áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp, điều chỉnh chế độ chăm sóc làm giảm thiểu tác hại của bọ xít muỗi, từ đó cải thiện năng suất và chất lượng của cây điều tại tỉnh Lâm Đồng

Từ khóa: Bọ xít muỗi; Cây điều; Các yếu tố khí hậu.

1

2

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS xây dựng bản đồ hạn nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Đặng Quốc Khánh1, Dương Văn Khảm2*, Dương Hải Yến2

1 Tổng Cục Khí tượng Thủy văn; khanhdangkhtc@gmail.com

2 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; dvkham.kttv@gmail.com; duongyen185@gmail.com

Tóm tắt: Ninh Thuận là một trong những tỉnh khô hạn lớn nhất cả nước. Đây chính là bất lợi lớn nhất của thiên nhiên đối với phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của tỉnh. Trên cơ sở số liệu khí tượng thủy văn và các thông tin viễn thám, áp dụng chỉ số viễn thám (Vegetation – Temperature Dryness Index VTCI) và công nghệ GIS bài báo đã xây dựng bộ bản đồ hạn nông nghiệp bao gồm bản đồ tần suất hạn và bản đồ mức độ khắc nghiệt hạn nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Bộ bản đồ với tỷ lệ nền là 1/50.000 và độ phân giải không gian trên kích thước ô lưới 1km × 1km được thể hiện trong phần mềm ArcGis dễ dàng cho tra cứu và sử dụng. Trong đó, bản đồ tần suất hạn nông nghiệp cho thấy: dù mùa mưa hay mùa khô trên lãnh thổ tỉnh Ninh Thuận đều xuất hiện hạn hán, tuy nhiên mùa khô tần suất xuất hiện hạn lớn hơn mùa mưa, diện tích hạn mùa khô cao hơn mùa mưa khoảng 600 km2. Bản đồ mức độ khắc nghiệt hạn hán cho thấy hạn nặng chiếm khoảng gần 500 km2 (tỷ lệ 13.8% diện tích toàn tỉnh), hạn rất nặng chiếm hơn 1.000 km2 (tỷ lệ 31.6% diện tích toàn tỉnh). Hệ thống bản đồ hạn nông nghiệp là cơ sở khoa học quan trọng, hiển thị một cách trực quan phân bố hạn hán nói chung và hạn nông nghiệp nói riêng phục vụ cho địa phương trong việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng phó với hạn hán trong bối cảnh biến đổi khí hậu..

Từ khóa: Hạn nông nghiệp; VTCI; Ninh Thuận; MODIS; GIS.

12

3

Ước tính lượng khí phát thải do đốt rơm rạ trên đồng ruộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Trần Xuân Dũng1*, Nguyễn Huỳnh Thy1

1 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG–HCM; txdung@hcmus.edu.vn; nghthy140699@gmail.com

Tóm tắt: Trồng lúa là một trong những hoạt động sản xuất chính của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sau khi thu hoạch, rơm rạ được xử lý bằng nhiều cách khác nhau nhưng chủ yếu là đốt, việc này vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên vừa phát thải ra môi trường một lượng lớn khí độc hại. Nghiên cứu sử dụng phần mềm ALU (Agriculture and Land Use National Greenhouse Gas Inventory) để ước tính lượng phát thải khí do hoạt động đốt rơm rạ này gây ra. Kết quả cho thấy tại ĐBSCL năm 2012, hoạt động đốt rơm rạ phát thải 1598,8 nghìn tấn khí CO, kế đến là khí CH4 khoảng 164,9 nghìn tấn, còn lại khí NOx là 39,2 nghìn tấn và khí N2O là 1,2 nghìn tấn. Đến năm 2020, với sự thay đổi về sản lượng lúa và tỷ lệ đốt rơm rạ giảm nên lượng khí thải ước tính giảm xuống còn 1123,6 nghìn tấn khí CO, khí CH4 cũng giảm xuống còn 115,9 nghìn tấn, khí NOx còn 27,5 nghìn tấn và N2O còn 0,8 nghìn tấn. Điều này cho thấy xu hướng tích cực trong việc giảm phát thải khí từ hoạt động đốt rơm rạ tại ĐBSCL tuy lượng khí thải ra hiện vẫn còn tương đối lớn. Kết quả nghiên cứu có thể dùng làm dữ liệu hỗ trợ kiểm kê phát thải cũng như sử dụng trong quản lý chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam.

Từ khóa: Đốt rơm rạ; Phát thải khí; Đồng bằng sông Cửu Long.

25

4

Nghiên cứu đồng hóa số liệu địa phương vào mô hình WRF để nâng cao chất lượng dự báo mưa cho khu vực Nam Bộ

Lê Ngọc Quyền1*, Nguyễn Kỳ Phùng2, Lê Mạnh Dũng1

1 Đài KTTV khu vực Nam Bộ; quyentccb@gmail.com; manhdungkttv@gmail.com

2 Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức; kyphungng@gmail.com

Tóm tắt:  Trong nghiên cứu đã sử dụng phương pháp đồng hóa số liệu biến phân ba chiều 3D–var cho mô hình WRF với độ phân giải 3km để dự báo mưa cho khu vực Nam Bộ. Số liệu được sử dụng cho đồng hóa bao gồm các quan trắc bề mặt, thám không ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Tác giả tiến hành thử nghiệm với 2 trường hợp có đồng hóa (Wrf_d03) và không có đồng hóa số liệu (Wrf_noDA_d03) với hạn dự báo 48h. Thời gian thực hiện tiến hành trong 2 tháng mùa mưa 7 và 8 năm 2021. Các kết quả dự báo của 2 thử nghiệm được thu thập cùng với số liệu quan trắc 24 trạm Synop trên khu vực để tiến hành đánh giá độ chính xác của các mô hình. Kết quả cho thấy, ở ngưỡng mưa nhỏ các mô hình dự báo thiên cao hơn thực tế. Trong khi đó ở ngưỡng mưa vừa, mưa to đến rất to các mô hình đều có xu hướng dự báo thiên thấp hơn thực tế. Các chỉ số MAE và RMSE của mô hình đồng hóa hầu hết đều thấp hơn mô hình không đồng hóa, cho thấy khi đồng hóa dữ liệu địa phương đã giảm được sai số của mô hình. Với đánh giá dự báo cho ngày 15/7/2021, mô hình có đồng hóa số liệu có khả năng phát hiện (POD) và kỹ năng dự báo (ETS) cho mưa vừa, mưa to tốt hơn mô hình không đồng hóa ở hạn dự báo 12h và 24h. Đồng thời khi thiết lập mô hình đồng hóa chạy ở chế độ Cycling sẽ cho dự báo ổn định hơn trường hợp không đồng hóa..

Từ khóa: WRF; WRFDA; 3Dvar; Đồng hóa số liệu; Dự báo mưa cho khu vực Nam Bộ.

36

5

Phân tích, đánh giá chỉ số mưa nông nghiệp (ARI), chuẩn hóa lượng mưa (SPI) và lồng ghép thông tin cho 4 cây trồng chính (lúa, ngô, lạc, đậu tương) trong thời kỳ 1991–2020 tại tỉnh Nghệ An

Hoàng Thị Thu Hương1*, Nguyễn Văn Lượng1, Lê Hữu Huấn1, Ngô Sỹ Giai2

1 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ; hoanghuong.btb@gmail.com; Luongnvkttv@gmail.com; huanbtb@gmail.com

2Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và biến đổi khí hậu; ngosygiai@gmail.com

Tóm tắt:  Nền kinh tế của tỉnh Nghệ An chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, với lực lượng lao động tập trung cao. Tuy nhiên, năng suất lúa cũng như bình quân lương thực có hạt (lúa, ngô) theo đầu người đang ở mức thấp so với cả nước. Xuất phát từ tầm quan trọng về sự ảnh hưởng của các chỉ số mưa nông nghiệp (Agricultural Rainfall Index – ARI) và chỉ số chuẩn hóa lượng mưa (Standardized Precipitation Index – SPI) đến thiết lập lịch thời vụ gieo trồng và năng suất lúa, tác giả đã thực hiện tính toán, phân tích chỉ số ARI và SPI, sau đó tích hợp và lồng ghép thông tin cho 4 cây trong chính (lúa, ngô, lạc, đậu tương) trong các vụ mùa cho tỉnh Nghệ An. Với nguồn số liệu chính gồm: số liệu mưa, nhiệt ngày trong giai đoạn 1991–2020 từ 8 trạm khí tượng thủy văn tại tỉnh Nghệ An. Kết quả cho thấy, sự phân bố của các hình thái khô hạn, ẩm ướt và thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng theo thời gian (tuần, tháng, vụ, mùa…) và theo không gian (Bắc–Nam, Đông–Tây) rất phức tạp. Đối với cây lúa, khô hạn chiếm hình thái thời tiết chủ yếu trong vụ thu đông với tần xuất khá lớn (60–80%); trong khi ẩm ướt lại xuất hiện khá ít và không nghiêm trọng (0–10%). Đối với cây ngô, lạc, đậu tương, khô hạn chiếm hình thái chủ yếu ở vụ xuân (60–75%), trong khi đó, ẩm ướt xuất hiện nhiều nhất ở vụ thu đông.

Từ khóa: ARI; SPI; Lồng ghép thông tin cây trồng; Tỉnh Nghệ An

52

6

Ứng dụng thử nghiệm dự báo số ngày nắng nóng, nắng nóng gay gắt theo mùa tại Việt Nam năm 2022 bằng phương pháp tương quan Canon

Mai Văn Khiêm1*, Hoàng Phúc Lâm1, Nguyễn Văn Hưởng1, Hoàng Thị Mai1, Trần Ngọc Vân1, Nguyễn Thanh Hoa1, Trịnh Thùy Nguyên1, Trần Quang Điệp1

1Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn; maivankhiem77@gmail.com; lamhpvn@gmail.com; nvhuonghanngan@gmail.com; hoangmaik52dubao@gmail.com; tranngocvan281285@gmail.com; ms.hoa2510@gmail.com; nguyentt607@gmail.com; diep.quanghn@gmail.com.

Tóm tắt: Bài báo trình bày một số kết quả thử nghiệm dự báo số ngày nắng nóng (SNNN), nắng nóng gay gắt (NNGG) theo mùa 3 tháng tại Việt Nam năm 2022, sử dụng phương pháp phân tích tương quan Canon (CCA), nhằm chuyển hóa thông tin dự báo của các mô hình khí hậu toàn cầu về khu vực quan tâm. Trong nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng 3 nhân tố là: nhiệt độ trung bình, nhiệt độ tối cao và áp cao cận nhiệt mực 500mb theo mùa 3 tháng, thời điểm dự báo 01/2022, miền tính: 800E–1400W; 50S–450N, độ phân giải 1,0×1,00 chiết suất từ các mô hình khí hậu: NASAGEO_SS2S, CCSM_4, CFS2, GFDL_SPEAR, ECMWF. Sau khi, xác định tương quan cao giữa các nhân tố với SNNN và NNGG gắt trên gần 200 điểm trạm, nhóm tác giả thực hiện thử nghiệm dự báo cho các mùa năm 2022. Kết quả cho thấy vào mùa tháng 3–5, hầu hết các mô hình đều mô phỏng SNNN, NNGG có xu hướng xuất hiện thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), xác suất từ 60–75%. Trong khi các mùa từ tháng 4–6, 5–7, 6–8 và 7–9 SNNN, NNGG cao hơn TBNN; riêng một số nơi ở miền Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thấp hơn TBNN. Dự báo áp dụng thử nghiệm tại một số thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Phước, kết quả được trình bày chi tiết trong phần 3.

Từ khóa: Dự báo; Số ngày nắng nóng; Nắng nóng gay gắt; Phương pháp tương quan Canon (CCA); Phần mềm CPT.

64

7

Nghiên cứu hệ chất hoạt động bề mặt dùng cho thu hồi dầu tăng cường trong tầng móng mỏ Bạch Hổ

Phạm Hữu Tài1,2,3,, Nguyễn Xuân Huy1,2,*, Nguyễn Viết Khôi Nguyên3, Lương Hải Linh3

1Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM; phtai.sdh17@hcmut.edu.vn; nxhuy@hcmut.edu.vn

2Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; phtai.sdh17@hcmut.edu.vn; nxhuy@hcmut.edu.vn

3 Đại học Dầu khí Việt Nam; taiph@pvu.edu.vn; nguyennvk@pvu.edu.vn; linhlh@pvu.edu.vn

Tóm tắt: Mỏ Bạch Hổ bắt khai thác từ khoảng năm 1986 với trữ lượng dầu tại chỗ ước tính trên 500 triệu tấn dầu quy đổi. Hiện tại, mỏ đã đưa vào giai đoạn khai thác tam cấp. Một số khu vực được chọn để nghiên cứu và thử nghiệm cho các dự án thu hồi dầu tăng cường (EOR). Tuy nhiên, do mức độ phức tạp trong cấu trúc địa chất nên nhiều nghiên cứu không thành công. Nghiên cứu sử dụng các kết quả thí nghiệm để đề xuất hệ chất hoạt động bề mặt cho EOR trong một khu vực của mỏ Bạch Hổ. Các chất hoạt động bề mặt được lựa chọn, sàng lọc từ 7 chất khác nhau. Hệ chất hoạt động bề mặt được kết hợp từ 2–4 chất sẽ được bơm ép vào mẫu lõi để đánh giá khả năng thu hồi dầu. Chất hoạt động bề mặt gốc anionic cho kết quả tốt khi dùng ở nhiệt độ và độ khoáng hóa cao. Hệ 4 chất gồm LAS: AOS: ALAX: XSA–1416D với tỉ lệ % theo khối lượng 5,75:23:58,75:12,5 cho kết quả. Lượng dầu thu hồi ở các thí nghiệm bơm ép tăng thêm khoảng 30%. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng của hệ chất hoạt động bề mặt trong điều kiện nhiệt độ và độ khoáng hóa cao. Tổng nồng độ chất hoạt động bề mặt khoảng 1000ppm sẽ là lựa chọn kinh tế cho dự án thu hồi dầu tăng cường

Từ khóa: Chất hoạt động bề mặt; Thu hồi dầu tăng cường; Thí nghiệm bơm ép mẫu lõi; Mỏ Bạch Hổ.

79

8

Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ tích hợp dự báo lũ, cảnh báo ngập lụt cho 03 lưu vực sông: Thạch Hãn, Vu Gia–Thu Bồn và Trà Khúc–Sông Vệ

Đoàn Quang Trí1*, Phạm Thị Nga2

1 Tạp chí Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn; doanquangtrikttv@gmal.com

2 Khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh, Số 1 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội; phamlinhnga.pct@gmail.com

Tóm tắt: Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các mô hình hiện đại nhằm nâng cáo chất lượng cho công tác dự báo khí tượng thủy văn. Nghiên cứu này đã xây dựng được một bộ công cụ tích hợp hoàn chỉnh với các mô đun cập nhật theo thời gian thực số liệu mưa thực đo, mực nước, lưu lượng, hoạt động điều tiết hồ chứa được vận hành tích hợp trong các mô hình thủy văn (MIKE SHE) phục vụ dự báo dòng chảy đến hồ, điều tiết hồ chứa, mô hình thủy lực MIKE 11 dự báo lũ trong sông, mô hình MIKE 11 GIS để cảnh báo ngập lụt cho khu vực hạ lưu. Bộ công cụ sử dụng số liệu mưa dự báo trung hạn (5 ngày) từ mô hình IFS đã được hiệu chỉnh và đánh giá là phù hợp. Kết quả đánh giá áp dụng thử nghiệm một mùa lũ cho 02 lưu vực Thạch Hãn và Vu Gia–Thu Bồn cho kết quả tương đối khả quan và tiếp tục thử nghiệm đánh giá cho lưu vực Trà Khúc–Sông Vệ. Nghiên cứu đã xây dựng được bộ bản đồ cảnh báo ngập lụt theo cấp mực nước và cấp báo động lũ là một tài liệu tham khảo quan trọng hỗ trợ tốt cho công tác cảnh báo, dự báo ngập lụt phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai.

Từ khóa: Bộ công cụ; Dự báo lũ; Cảnh báo ngập lụt; Thạch Hãn; Vu Gia–Thu Bồn; Trà Khúc–Sông Vệ.

93

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất