TT |
Tên bài và tác giả |
Số Trang |
1 |
Sử dụng dữ liệu MODIS đa thời gian đánh giá biến động khô hạn tại Tây Nguyên giai đoạn 2001–2020 Trần Văn Thương1*, Cao Thanh Xuân1, Nguyễn Trọng Hiệu2, Phan Văn Tuấn3, Danh Mởn4 1 Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương; thuong.tran@tdmu.edu.vn; xuanct@tdmu.edu.vn; 2 Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường; hieu.nt38@gmail.com; 3 Trường Đại học Lâm Nghiệp - phân hiệu Đồng Nai; phanvantuandc@gmail.com; 4 Viện Địa lý Tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh, VAST; dmon@hcmig.vast.vn *Tác giả liên hệ: thuong.tran@tdmu.edu.vn; Tel.: +84–938603357 Tóm tắt: Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm sử dụng chỉ số chuẩn hóa sức khỏe thực vật (Standardized Vegetation Health Index–SVHI) để đánh giá biến động hạn nông nghiệp năm tại khu vực Tây Nguyên. Dữ liệu MODIS đa thời gian giai đoạn 2001–2020 đã được sử dụng để tính toán nhiệt độ bề mặt và chỉ số chuẩn hóa khác biệt thực vật, hai thông số đầu vào của chỉ số khô hạn đã áp dụng. Bên cạnh đó, chỉ số chuẩn hóa lượng mưa (SPI) tại 5 trạm khí tượng cũng được tính toán để đánh giá độ tin cậy của chỉ số SVHI. Đồng thời, tiếp cận hồi quy không gian đã được áp dụng để đánh giá biến động khô hạn năm tại lãnh thổ nghiên cứu theo không gian và thời gian. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hệ số tương quan giữa SVHI và SPI tại 5 trạm quan trắc đều trên mức trung bình tại độ tin cậy 95% (r > 0,5, p < 0,05). Ngoài ra, cấp độ khô hạn cực đoan đã xảy ra tại lãnh thổ nghiên cứu vào năm 2005 và 2016, đồng nhất với năm diễn ra El Niño. Hơn nữa, diễn biến của khô hạn có xu thế tăng tại đất nông nghiệp, trong khi, xu thế giảm được phát hiện tại đất rừng tại tất cả các tỉnh. Kết quả từ nghiên cứu này gớp phần cung cấp tài liệu tham khảo hữu ích cho nhà quản lý trong việc đề xuất các chiến lược giảm thiểu rủi ro hạn hán và bảo vệ rừng. Từ khóa: SVHI; VHI; VCI; TCI; MODIS; Bình phương tối thiểu. |
1 |
2 |
Đánh giá đặc điểm khí hậu và điều kiện khí hậu nông nghiệp huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh Dương Văn Khảm1*, Đặng Quốc Khánh2 1 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; dvkham.kttv@gmail.com *Tác giả liên hệ: dvkham.kttv@gmail.com; Tel.: +84–904729009 Tóm tắt: Kỳ Anh là huyện có điều kiện khí tượng khá phực tạp, luôn phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt, lũ lụt trong mùa mưa, hạn hán kéo dài trong mùa khô, gió Tây Nam khô nóng khốc liệt gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp (SXNN). Trên cơ sở các số liệu khí tượng và các số liệu SXNN ở Kỳ Anh, áp dụng các phương pháp thống kê trong khí hậu (KH), khí hậu nông nghiệp (KHNN), bài báo đã đánh giá một cách có hệ thống các điều kiện KH, KHNN ở Kỳ Anh bao gồm điều kiện ánh sáng với tổng số giờ nắng trong năm là 1716 giờ. Nhiệt độ trung bình năm từ 24–25oC. Biên độ nhiệt độ các tháng đạt 4,4–7,1oC, biên độ nhiệt độ năm khoảng 5,0–6,0oC. Tổng nhiệt năm dao động từ 8.000–8.500oC. Lượng mưa ở Kỳ Anh phổ biến là 2600–3000 mm, nhưng lượng mưa phân bố không đều trong năm. Lượng mưa tích lũy đầu mùa, cuối mùa, xác suất 2–3 tuần khô ướt đã thể hiện quy luật khá rõ ràng về sự phân bố mưa trong năm. Những kết quả này là cơ sở khoa học quan trọng phục vụ quy hoạch SXNN, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm thiểu tác hại của thiên tai ở Kỳ Anh. Từ khóa: Khí hậu (KH); Khí hậu nông nghiệp (KHNN). |
15 |
3 |
Nghiên cứu đặc điểm một số chất dinh dưỡng trong môi trường nước biển ven bờ khu vực phía Nam châu thổ sông Hồng Lưu Việt Dũng1,2*, Nguyễn Tài Tuệ1,2, Phạm Văn Hiếu3, Nguyễn Doanh Khoa1, Lê Văn Dũng1 1 Phòng thí nghiệm trọng điểm Địa môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; dungluuviet@gmail.com; tuenguyentai@hus.edu.vn; khoa.k59ktdc@gmail.com; levandung.qltnmtkhtn@gmail.com *Tác giả liên hệ: dungluuviet@gmail.com; Tel.: +84–904729009 Tóm tắt: Các chất dinh dưỡng trong môi trường nước biển vùng bờ có vai trò hết sức quan trọng đối với các hệ sinh thái và các loài sinh vật vùng bờ nhưng sự gia tăng hàm lượng của các chất dinh dưỡng này cũng gây tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái kể trên. Trong phạm vi của nghiên cứu này, hàm lượng của các chất dinh dưỡng gồm Amoni, Nitrate và Phosphate và các thông số hóa lý cơ bản trong môi trường nước biển vùng bờ tại khu vực phía nam Châu thổ sông Hồng đã được phân tích và đánh giá tại vùng cửa sông, rừng ngập mặn và vùng biển ven bờ. Kết quả nghiên cứu cho thấy giá trị hàm lượng Nitrate có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực lấy mẫu dao động từ 119±50,7 µg/L, 192,3±47,5 µg/L đến 454,8±204,1 µg/L tương ứng với vùng biển ven bờ, rừng ngập mặn và cửa sông. Kết quả tương tự cũng được quan sát thấy với Amoni với hàm lượng tương ứng là 835,3±246,4 µg/L, 405,7±126,7 µg/L, và 295,6±73,2 µg/L tương ứng với vùng cửa sông, rừng ngập mặn và vùng biển ven bờ. Các chất dinh dưỡng như Amoni và Nitrate đã vượt quá giới hạn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT và tiêu chuẩn môi trường ASEAN đối với môi trường nước biển ven bờ cho mục đích nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Nghiên cứu cũng chỉ ra vai trò của rừng ngập mặn trong việc hấp thu các chất dinh dưỡng được vận chuyển từ lục địa ra vùng ven biển và cần tiếp tục thực hiện các nghiên cứu liên tục trong thời gian tới nhằm làm rõ vấn đề này. Từ khóa: Rừng ngập mặn; Cửa sông; Vùng bờ; Dinh dưỡng; Châu thổ sông Hồng. |
29 |
4 |
Đánh giá chất lượng nước mặt do ảnh hưởng của các hoạt động tại khu vực thành phố Cần Thơ Nguyễn Thành Tâm1*, Trần Quốc Bảo2, Huỳnh Vương Thu Minh2, Nguyễn Trường Thành2 , Bùi Thị Bích Liên2, Nguyễn Đào Tuyết Minh1 1 Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ; ngttam@ctu.edu.vn; minhB1811482@student.ctu.edu.vn *Tác giả liên hệ: ngttam@ctu.edu.vn; Tel.: +84–909186071 Tóm tắt: Nguồn nước mặt ngày càng ô nhiễm do điều kiện tự nhiên và các hoạt động của con người. Chính vì thế, việc theo dõi, đánh giá và kiểm soát chất lượng nguồn nước mặt là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu đã tiến hành thu thập số liệu chất lượng nước mặt giai đoạn 2000–2020 và khảo sát người dân ở các vùng xung quanh các nguồn thải: (i) khu dân cư (quận Ninh Kiều), (ii) khu công nghiệp (quận Bình Thủy), (iii) khu trồng cây ăn trái (huyện Phong Điền) và (iv) khu trồng lúa (quận Ô Môn, Thới Lai và Cờ Đỏ). Kết quả nghiên cứu cho thấy các thời điểm lấy mẫu trong năm khác biệt không nhiều và có xu hướng xấu hơn ở tháng 12, cụ thể pH và nhiệt độ không khác biệt giữa các khu vực nghiên cứu. Chất lượng nước mặt tốt nhất ở khu vực trồng cây ăn trái và xấu nhất ở khu vực dân cư. Nguyên nhân gây ô nhiễm nước mặt do có nhiều công ty, khu công nghiệp chưa xử lý chất thải tốt. Các chất thải được thải trực tiếp xuống sông ngày càng nhiều và do sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên cần có biện pháp quản lý và xử lý tốt các nguồn thải trong thời gian tới. Từ khóa: Khu dân cư; Khu công nghiệp; Khu trồng lúa; Các nguồn nước thải. |
39 |
5 |
Đánh giá quy trình quản lý rủi ro thiên tai tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng Võ Thị Phương Linh1, Nguyễn Hiếu Trung2, Võ Quốc Thành1* 1 Khoa Môi trường và TNTN, Trường Đại học Cần Thơ; vtplinh@ctu.edu.vn; quocthanh@ctu.edu.vn *Tác giả liên hệ: quocthanh@ctu.edu.vn; Tel.: +84–945152202 Tóm tắt: Nghiên cứu dựa trên cách tiếp cận ở mức độ phân tích toàn diện các giai đoạn cũng như các bên liên quan tham gia trong quy trình quản lý rủi ro thiên tai. Số liệu về các loại thiên tai và thiệt hại do thiên tai giai đoạn 2014 đến 2019 được thu thập từ các cơ quan địa phương kết hợp phỏng vấn nông hộ và cán bộ về quá trình chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thiên tai. Phương pháp kiểm định phi tham số được sử dụng để so sánh mức độ thiệt hại do thiên tai giữa các mô hình canh tác. Kết quả xác định ba loại thiên tai thường xuyên xuất hiện gồm: (1) xâm nhập mặn, (2) giông lốc, (3) bão và áp thấp nhiệt đới. Quy trình quản lý rủi ro thiên tai có sự tham gia của các bên liên quan như: Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các Phòng Ban chức năng và Ủy ban Nhân dân Xã. Các biện pháp đã và đang được áp dụng như: thay đổi lịch thời vụ, vận hành hệ thống công trình thủy lợi để ứng phó và hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Quá trình được tổ chức chặt chẽ nhưng có thể bị động trong việc huy động nhân lực, trang thiết bị và nguồn kinh phí hỗ trợ người dân phục hồi sau thiên tai còn hạn chế. Từ khóa: Mỹ Xuyên; Phục hồi; Sóc Trăng; Thiên tai; Ứng phó. |
56 |
6 |
Đánh giá tác động của địa hình ven bờ tỉnh Khánh Hòa đến phân bố sóng trong bão Damrey bằng mô hình Mike 21SW Bùi Văn Chanh1*, Nguyễn Đăng Hùng1 1 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn; buivanchanh@gmail.com; hungntb@gmail.com Tóm tắt: Bão Darmey là cơn bão lịch sử đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa và đã gây thiệt hại rất lớn, đặc biệt là các xã/phường ven biển của huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và thành phố Nha Trang. Trong đó, sóng trong bão gây ra thiệt hại rất lớn; tuy nhiên địa hình ven bờ tỉnh Khánh Hòa đã tác động đến sự phân bố phức tạp của sóng. Do vậy, mô phỏng chi tiết trường sóng trong bão Damrey có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng chống thiên tai, lập quy hoạch và thiết kế các công trình khu nuôi trồng thủy sản của tỉnh Khánh Hòa. Để mô phỏng trường sóng trong bão Damrey, mô hình Mike 21SW được áp dụng thiết lập 03 lưới tính lồng, với độ phân giải chi tiết lưới khu vực ven bờ tỉnh Khánh Hòa tới 450 m. Số liệu gió tái phân tích ERA Interim được sử dụng để mô phỏng sóng khu vực nam Biển Đông, số liệu gió các trạm ven bờ và trên biển ở khu vực Nam Trung Bộ được nội suy bằng phương pháp IDW cho khu vực ven bờ tỉnh Khánh Hòa. Kết quả mô phỏng độ cao sóng cho thấy, khu vực vịnh Vân Phong từ 0,5–7,0 m, khu vực vịnh Nha Trang từ 0,5–8,0 m, khu vực vịnh Cam Ranh từ 0,3–6,0 m. Sóng lớn nhất ven biển tỉnh Khánh Hòa là ở cửa vịnh Vân Phong, với độ cao từ 9–10 m. Từ khóa: Mô hình Mike 21SW; Bão Damrey; Sóng biển Khánh Hòa. |
73 |
7 |
Nghiên cứu công nghệ dự báo mưa AI thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh Phạm Thanh Long1, Lê Văn Phận2, Nguyễn Phương Đông1, Lê Hồng Dương3, Trần Tuấn Hoàng1 1 Phân viện KH Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu; longpham.sihymete@gmail.com; 2 ĐH Nông Lâm TPHCM; lvphan@hcmuaf.edu.vn 3 Cục Bảo vệ Môi trường miền Nam; hongduong.tcmt@gmail.com Tóm tắt: Các nước tiên tiến sử dụng AI trong dự báo thời tiết rất phổ biến và ngày càng chính xác hơn. Trong những năm gần đây hệ thống dữ liệu quan trắc cập nhật theo thời gian thực của các đài khí tượng thủy văn đã phát triển rất mạnh mẽ, nguồn dữ liệu lớn và liên tục, đây là thuận lợi rất lớn khi triển khai nghiên cứu về các AI trong dự báo mưa điểm thử nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh. Các yếu tố nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, tốc độ gió, khí áp tại điểm quan trắc là dữ liệu đầu vào cho hệ thống dự báo mưa AI. Dựa trên cơ sở các trạm quan trắc thời tiết theo thời gian thực, công nghệ xử lý phần mềm AI trên máy tính rất nhanh, quá trình học dữ liệu và dự báo kết quả mới rất nhanh và thuận lợi. Nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm và dự báo với độ chính xác khá cao. Kết quả dự báo thời điểm trước khi có mưa và kết quả dự báo thời điểm có mưa tại 03 trạm thuduc, quan2, quan9 cho thấy kết quả dự báo chính xác cao nhất với hệ số tương quan lần lượt là 0,93, 0,78 và 0,7. Từ khóa: Dự báo mưa AI; Dữ liệu lớn; Khoa học dữ liệu; Trí tuệ nhân tạo. |
86 |
8 |
Đánh giá biến động đường bờ biển Thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng bằng phương pháp ảnh viễn thám Lê Minh Hậu1, Huỳnh Thị Cẩm Hồng2, Trần Tuyết Loan2, Đinh Văn Duy2*, Trần Văn Tỷ2 1 Ban quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng; haum4220004@gstudent.ctu.edu.vn 2 Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ; htchong@ctu.edu.vn; Tóm tắt: Diễn biến đường bờ biển là nguồn dữ liệu quan trọng để đánh giá mức độ xói lở và bồi tụ của bãi biển. Trong các phương pháp khảo sát diễn biến đường bờ biển, phân tích ảnh viễn thám là một phương pháp giúp thu thập số liệu vị trí đường bờ biển một cách nhanh chóng và hầu như miễn phí. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích ảnh viễn thám để đánh giá biến động đường bờ biển thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2006–2020 để tìm ra vận tốc xói lở, bồi tụ đường bờ tại các mặt cắt dọc theo đường bờ biển cũng như tính toán thay đổi thể tích bãi biển (DV). Kết quả phân tích cho thấy một phần đường bờ biển khu vực thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng (từ cống số 2 đến cống số 3) bị xói lở nghiêm trọng trong giai đoạn 2006–2020 với bề rộng rừng ngập mặn suy giảm khoảng 70–140 m giai đoạn 2006–2014 và 10–50 m giai đoạn 2014–2020. Vận tốc xói lở đường bờ biển lớn nhất bằng 11,68 m/năm và vận tốc suy giảm thể tích bãi biển tại các mặt cắt dọc theo đường bờ biển khu vực nghiên cứu dao động trong khoảng 3.000–7.000 m3/năm. Các kết quả của nghiên cứu có thể làm cơ sở để các cấp quản lý có giải pháp bảo vệ và phục hồi bãi biển một cách hợp lý. Từ khóa: Vĩnh Châu Sóc Trăng; Ảnh viễn thám; vận tốc thay đổi đường bờ; thay đổi thể tích bãi biển; mô hình một đường. |
98 |