Bài học từ bão Idai - Bản tin KHCN&HTQT Quý I năm 2019

Đăng ngày: 04-04-2019 | Lượt xem: 5433
Bão Idai là cơn bão tồn tại tới 17 ngày, 02 lần đổ bộ gây thiệt hại lớn và đã mang đến nhiều bài học cho lĩnh vực dự báo, cảnh báo thiên tai, trên toàn cầu và ở Việt Nam trong việc đảm bảo sứ mệnh “Cảnh báo thiên tai, bảo vệ cuộc sống”.

Cơn bão Idai được coi là một trong những bão mạnh nhất được ghi nhận có ảnh hưởng tới toàn Châu Phi và Nam Bán Cầu trong năm 2019. Cơn bão tồn tại lâu đã gây ra thiệt hại thảm khốc ở nhiều quốc gia, khiến hơn 700 người thiệt mạng và hàng trăm người bị mất tích. Ở Nam Bán Cầu, số người chết tương đương với cơn bão Mauritius năm 1892, bão Polynesia gây ra ở Pháp năm 1903, siêu bão Madagascar năm 1927, và siêu bão Leon – Eline năm 2000.

Hình 1: Hình ảnh quỹ đạo cơn bão Idai

Cơn bão Idai hình thành từ một áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông của Mozambique vào ngày 4/3/2019 và đổ bộ vào đất liền vào chiều tối cùng ngày. Đến ngày 9/3, áp thấp này xuất hiện trên khu vực Kênh Mozambique và nhanh chóng phát triển thành bão nhiệt đới Idai vào ngày hôm sau. Cơn bão Idai phát triển một cách nhanh chóng về cường độ, với vận tốc gió cực đại ở gần tâm bão là 175 km/h (110 dặm/giờ - cấp 15) vào ngày 11/3, cường độ của bão Idai vẫn duy trì khoảng một ngày sau đó. Đến ngày 14/3, cơn bão Idai được tăng cường và phát triển mạnh hơn với tốc độ gió cực đại là 195 km/h (120 dặm/giờ) và áp suất cực tiểu gần tâm bão đo được là 940 hPa. Khi di chuyển sát bờ biển Mozambique bão Idai bắt đầu suy yếu do điều kiện ít thuận lợi. Đến ngày 15/3, cơn bão Idai đổ bộ vào khu vực Beira, thuộc Mozambique và suy yếu thành xoáy thuận nhiệt đới, và chỉ còn là vùng thấp vào ngày 16/3, nhưng hoàn lưu suy yếu từ cơn bão này vẫn còn duy trì đến ngày 21/3 mới hoàn toàn biến mất.

Hình 2: Quỹ đạo bão Idai và ảnh mây vệ tinh ngày 11/3/2019 (Nguồn https://twitter.com/BagalueSunab/status/1105237158649098241)

Tác động của bão Idai

Bão Idai đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở Madagascar, Malawi, Mozambique và Zimbabwe, gây ra ít nhất là 733 người thiệt mạng. Hơn 2,8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão này, với hàng trăm nghìn người cần hỗ trợ.

Hai lần đổ bộ vào đất liền của bão Idai

Lần đổ bộ đầu tiên:

Mozambique

Lũ lụt gây ra từ áp thấp nhiệt đới bắt đầu ở Mozambique vào ngày 6/3 chủ yếu ảnh hưởng tới khu vực các tỉnh miền Trung. Các tỉnh Niassa, Tete và Zambezia cũng bị ảnh hưởng, sau này bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trận lũ này đã khiến 66 người chết và hơn 111 người bị thương. 

Theo ghi nhận có khoảng 5.756 ngôi nhà bị phá hủy, trong khi đó 15.467 bị ảnh hưởng. Ngoài ra, 8 bệnh viện và 98 phòng học cũng bị phá hủy. Trận lũ cũng hủy hoại 168.000 hecta lúa màu.

Malawi

Là một ấp thấp nhiệt đới, nhưng Idai đã mang những cơn mưa xối xả đến vùng đông nam Malawi, khiến cho khu vực này xuất hiện mưa cao hơn trung bình nhiều năm trong tháng 1 làm tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt. Lũ bắt đầu lan rộng vào ngày 9/3, cuốn trôi nhiều cây cầu, đường và phá hủy nhiều ngôi nhà nơi mà nó đi qua: khoảng 1400 ngôi nhà bị phá hủy ở Blantyre, hai nhà máy thủy điện dọc sông Shire đã bị hư hại. Thảm họa ảnh hưởng trực tiếp đến 922.900 người trên toàn quốc, ước tính khoảng 460.000 người là trẻ em, trong số đó có 125.382 là trẻ bị di dời hoặc gia cư, tổng cộng có 56 người thiệt mạng và 577 người khác bị thương….

Madagascar

Ngày 11/3 cơn bão di chuyển vào gần bờ tới Madagascar, khi qua Kênh Mozambique, hệ thống phát triển mạnh mẽ đem mưa lớn tới khu vực tây bắc Madagascar với tổng lượng mưa là 400mm. Lũ lụt và lở đất ở Besalampy đã giết chết một người, hai người mất tích, và ảnh hưởng tới 1100 người khác, phá hủy 137 ngôi nhà…. vô số dây điện và điện thoại bị hư hỏng và phá hủy.

Lần đổ bộ thứ hai:

Vào ngày 15/3, bão Idai đổ bộ vào ngày phía bắc của Beira, Mozambique:

Mozambique

Lốc xoáy Idai gây thiệt hại thảm khốc trên một vùng rộng lớn của miền trung và miền tây Mozambique. Những cơn gió hủy diệt đã tàn phá các cộng đồng ven biển, lũ quét đã phá hủy các khu dân cư bên trong lục địa – khiến cho Tổ chức Khí tượng Thế giới gọi đây là "một trong những thảm họa liên quan đến thời tiết tồi tệ nhất ở Nam bán cầu". Ít nhất 351 người đã thiệt mạng do ảnh hưởng kết hợp của lũ lụt và gió. Ở Beira, các mảnh vụn trong không khí đã gây ra nhiều thương tích. Hơn 1.500 người đã được điều trị chấn thương liên quan đến bão, chủ yếu là từ các mảnh vụn trong không khí, tại các bệnh viện trên khắp Beira. Ước tính có 1,7 triệu người bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy.

Zimbabwe

Những cơn mưa lớn xuất hiện chủ yếu ở miền đông Zimbabwe khi cơn bão di chuyển dọc biên giới. Những cơn mưa lớn nhất đã xảy ra ở quận Chimanimani, với lượng mưa tích lũy 200-400mm. Lũ quét lan rộng ngay sau đó, cướp đi ít nhất 259 mạng sống, với hơn 217 người mất tích tính đến ngày 20 tháng 3. Ít nhất 200 người bị thương. Ước tính 250.000 người đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, khoảng 500 người ở Thung lũng Rusitu ở quận Chimanimani bị mất tích.

Bài học từ bão Idai

Trong bối cảnh khí hậu và thiên tai ngày càng khắc nghiệt, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, diễn biến quỹ đạo, cường độ ngày càng khó lường và tác động của bão ngày càng lớn. Bão Idai gây mưa rất to ngay từ khi còn là áp thấp nhiệt đới được hình thành rất gần bờ. Sau khi đổ bộ đất liền không suy yếu mà còn tồn tại lâu, quay trở lại vùng biển và mạnh lên thành bão, liên tục tăng cấp và xấp xỉ đạt cấp siêu bão trong ngày 11/3.

Mặc dù sau khi mạnh lên thành bão, Idai di chuyển nhanh và khá ổn định, các dự báo có độ tin cậy nhưng thiệt hại do bão vẫn quá lớn. Sức mạnh của cơn bão mạnh nhất trong lịch sử hơn 100 năm ở Nam Bán cầu cho thấy khả năng xảy ra các cơn bão mạnh lịch sử ngày càng tăng trong điều kiện khí hậu toàn cầu ngày một nóng lên do tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội của con người. Do đó, sứ mệnh của ngành KTTV, đặc biệt là lĩnh vực dự báo, ngày càng lớn trong việc đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại cho xã hội. Đây cũng là sứ mệnh mà Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã và đang xác định trong thời gian đã qua và thời gian tới, đó là “Cảnh báo thiên tai, bảo vệ cuộc sống”.

Bài và ảnh: Hoàng Phúc Lâm và Hoàng Thị Mai - Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Vụ KHQT (Tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: