Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) bắt đầu thử nghiệm sử dụng sơ đồ dự báo cường độ bão (TIFS) dựa trên sơ đồ dự báo cường độ bão thống kê (SHIPS – theo DeMaria và Kaplan (1994, 1999), DeMaria và cộng sự (2005)) từ năm 2016.
Các kết quả đánh giá cho thấy dự báo cường độ bão từ TIFS thường chính xác hơn các dự báo cường độ bão từ mô hình phổ toàn cầu (GSM) của JMA và sơ đồ SHIFOR (sơ đồ dự báo cường độ bão dựa trên phương pháp thống kê được phát triển bởi Jarvinen và Neumann (1979), Knaff và cộng sự (2003). Tuy nhiên, sơ đồ này có khuynh hướng dự báo thiên cao (cho cường độ lớn hơn so với thực tế) tại giai đoạn hình thành bão hoặc trong các giai đoạn bão phát triển/suy yếu nhanh. Đặc biệt, sơ đồ này không phù hợp để dự báo cường độ cho giai đoạn bão chuyển đổi sang thành xoáy thuận ngoại nhiệt đới.
Hình 1 minh họa kết quả đánh giá và so sánh chất lượng dự báo cường độ bão dựa trên sai số quân phương (RMSE) giữa TIFS, GSM và SHIFOR cho mùa bão 2017-2018. Kết quả đánh giá cho thấy TIFS có chất lượng dự báo cường độ bão tốt hơn so với SHIFOR và GSM. Hiện tại, các chuyên gia của Viện nghiên cứu khí tượng Nhật Bản (MRI) và của JMA đang tập trung phát triển một phương pháp dự báo cường độ bão mới dựa trên việc sử dụng tăng cường các dữ liệu quan trắc về cấu trúc và mưa trong bão (Shimada và cộng sự, 2018) kết hợp với tổ hợp đa mô hình TIFS khác nhau cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) (Shimada, 2018) để cải tiến sơ đồ TIFS nghiệp vụ.
Hình 1. Sai số quân phương (RMSE-bên trái) và sai số trung bình (ME-bên phải) trong dự báo cường độ bão cho tất cả cơn bão trong mùa bão 2017-2018 ở Tây Bắc Thái Bình Dương (màu vàng, xanh và đỏ tương ứng là đánh giá cho GSM, TIFS và SHIFOR
Thông tin chi tiết tham khảo tại: https://www.jma.go.jp/jma/jma-eng/jma-center/rsmc-hp-pub-eg/techrev/text21-2.pdf
Võ Văn Hòa - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ
Vụ KHQT (Tổng hợp)