Tác động chính của con người là nguyên nhân của sự Biến đổi khí hậu - Bản tin KHCN&HTQT Quý I năm 2019

Đăng ngày: 04-04-2019 | Lượt xem: 29471
Mặt Trời được xem là nguồn năng lượng vô tận cung cấp toàn bộ sự sống trên Trái đất, nguồn năng lượng giữ cho hành tinh của chúng ta ấm áp, các sinh vật phát triển và nguồn năng lượng này cũng tạo nên khí hậu và thời tiết trên Trái đất. Các dữ liệu vệ tinh trong hơn 30 năm qua cho thấy năng lượng Mặt trời cung cấp cho Trái đất không gia tăng về nhiệt, vì vậy sự nóng dần lên của Trái đất không phải do hoạt động của Mặt trời tạo nên.

Tuy nhiên chúng ta nên biết sử dụng và phát huy một cách khoa học nguồn năng lượng quý giá này để phục vụ cuộc sống của con người ngày càng hiệu quả hơn.Theo xu hướng phát triển gần đây trong cuộc đấu tranh cho việc làm sạch môi trường trái đất, năng lượng mặt trời có thể thay thế một phần năng lượng từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo được do đó nó đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường từ sự tăng nhiệt trên toàn cầu.

Trái Đất còn được biết với tên gọi "hành tinh xanh", là “nhà” của hàng triệu loài sinh vật trong đó có con người, cho đến nay đây là nơi duy nhất trong vũ trụ được biết đến là có sự sống. Hành tinh này được hình thành cách đây 4,55 tỷ năm và sự sống xuất hiện trên bề mặt của nó khoảng 1 tỷ năm trước,kể từ đó bầu khí quyển của Trái Đất và các điều kiện vô cơ khác đã thay đổi đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phổ biến của các vi sinh vật ưa khí cũng như sự hình thành của tầng ozon-lớp bảo vệ quan trọng của Trái Đất.Các đặc điểm vật lý của Trái Đất cũng như lịch sử địa lý hay quỹ đạo, cho phép sự sống tồn tại trong thời gian qua. Tài nguyên khoáng sản, các sinh quyển được sử dụng để cung cấp cho cuộc sống của con người. Ba phần tư khối lượng của khí quyển tập trung trong khoảng 11 km từ bề mặt trái đất. Kết quả tạo ra sự lưu thông không khí, cơ chế thay đổi thời tiết và khí hậu.

Bên cạnh được hưởng mặt tích cực, cuộc sống của con người cũng chịu những tác động xấu từ các biến động bất thường trên bề mặt trái đất như động đất, sóng thần, lốc xoáy, bão , lũ lụt, hạn hán và các thảm họa thiên tai khác…. Trên trái đất con người cũng là nguyên nhân chính làm xáo trộn và làm ảnh hưởng tiêu cực cho Trái Đất, những tiêu cực này ảnh hưởng lại chính đối với con người như: sự ô nhiễm không khí và nguồn nước, mưa axit và các chất độc hại khác, sự biến mất dần của thảm thực vật, động vật hoang dã, hiện tượng bạc màu đất, sự xói mòn và sự xuất hiện của các sinh vật xâm hại. Mối liên hệ giữa các hoạt động của con người với hiện tượng nóng lên toàn cầu là do sự phát thải khí điôxit cacbon trong các hoạt động công nghiệp là chính. Hiện tượng này làm gia tăng các dải nhiệt độ khắc nghiệt, tan băngvà mực nước biển dâng cao, biến đổi khí hậu lớn.Về cơ bản, sự nóng lên toàn cầu có nghĩa là sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển Trái Đất. Sự gia tăng nhiệt độ này sẽ kích hoạt một loạt các sự kiện có thể gây ra rất nhiều huỷ hoại đối với hành tinh xanh.

Biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường toàn cầu. Nắng nóng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế-xã hội trong tương lai. Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế…trên phạm vi toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã tạo ra những đợt nắng nóng và nhiệt độ cao kỷ lục ở phạm vi địa phương cũng như ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các hiện tượng sóng nhiệt bắt đầu sớm hơn, kết thúc muộn hơn, xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam trong những năm gần đây, các vùng miền trong cả nước đã xuất hiện nhiều loại hình thiên tai bất thường, quy luật xảy ra theo mùa trong năm đã bị phá vỡ như bão mạnh, mưa lớn cục bộ, lũ quét, rét hại, lũ chồng lũ tại các tỉnh miền Trung; hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền ở Đồng bằng sông Cửu Long; sạt lở nghiêm trọng ở ven sông, ven biển... Thiên tai hay các loại hình thời tiết cực đoan, bất thường là biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu.

Gần đây vào năm 2017 có 16 cơn bão, sáu áp thấp nhiệt đớivà những đợt mưa lớn ảnh hưởng đến nước ta, gây mưa lớn tại các tỉnh miền trung,trong đó bão số 10 và số 12 là hai cơn bão mạnh, có ảnh hưởng rộng và để lại hậu quả nặng nề nhất từ trước đến nay,cơn bão số 12 đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và một phần Nam Tây Nguyên đây là cơn bão mạnh nhất lịch sử và gây thiệt hại nặng nề nhất tại Phú Yên trong 30 năm qua. Các hiện tượng lũ quét, lũ ống xảy ra tại các tỉnh phía Bắc, những cơn lũ quét, lũ ống khủng để lại hậu quả cũng kinh hoàng không kém bão. Như lũ ống xảy ra tại Mù Cang Chải(Yên Bái), thị trấn Mường La (Sơn La), tại xã Phú Cường(Hòa Bình);mưa kéo dài nhiều ngày lượng lớn đã gây ngập úng trên diện rộng cả một vùng từ bắc Trung Bộ đến đồng bằng Bắc Bộ và kéo lên cả các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc…

Lũ lớn làm sập trôi cầu Thia ở Yên Bái

Mưa lớn làm sạt lở núi ở thác Khanh Hòa Bình

Năm 2018 nước ta tiếp tục hứng chịu 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đớivà nhiều trận lũ lớn, sạt lở đất ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác trên cả nước. Trong đó các tỉnh như Lai Châu, Yên Bái, Khánh Hòa... là những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ngoài ra những ngày cuối năm ảnh hưởng những đợt rét đậm, rét hại được coi là khắc nghiệt nhất trong vòng 10 năm ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc.

Mưa lớn làm sạt lở đất tại TP. Nha Trang Khánh Hòa

Thiên tai là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển, nhất là dưới tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Việc nghiên cứu tìm hiểu và tiếp tục nhận biết về các hiện tượng thiên tai là rất cần thiết để chúng ta chủ động hơn trong phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại ở nước ta. Bên cạnh đó là công tác tuyên truền, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức, tích lũy kỹ năng, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu; cùng với đó là việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương cần được quan tâm hơn nữa, những giải pháp lồng ghép để thực hiện phải phù hợp và hiệu quả.

Bài và ảnh: Nguyễn Đăng Hùng - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ

Vụ KHQT (Tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: