Mục lục Tạp chí Khí tượng Thủy văn Tháng 8 năm 2011

Đăng ngày: 01-08-2011 File đính kèm
Số 608 * Tháng 8 năm 2011

STT

Tên bài và tác giả

Trang

1

CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ VÀ HỖ TRỢ QUY TRÌNH DỰ BÁO

Lê Thu Hạnh, Nguyễn Đình Thuật, Nguyễn Vũ Thắng – Đài KTTV khu vực Đông Bắc

Hiện nay, các đơn vị dự báo tại các tỉnh miền Bắc nước ta đang đảm nhiệm một công việc lớn hết sức quan trọng trong công tác phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai cho địa phương. Tuy nhiên, các công cụ và quy trình dự báo tại các đơn vị khác nhau không thống nhất hoàn toàn đang gây nhiều khó khăn cho công tác phục vụ như đánh giá, rút kinh nghiệm cho những trường hợp cần thiết. Để giải quyết vấn đề trên, cần phải có sự thống nhất về công cụ và quy trình trên cơ sở nền chung của công tác dự báo. Bài viết này giới thiệu một sản phẩm có chức năng hỗ trợ các dự báo viên tại các địa phương cũng như giúp các nhà quản lý có thể nắm bắt được hoạt động dự báo trong khu vực mình quản lý trên cơ sở một chương trình sử dụng công nghệ thông tin đang thịnh hành hiện nay tại Việt Nam.

1

2

TÌNH HÌNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN KHU VỰC TỈNH LONG AN TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Đỗ Miên – Trung tâm KTTV Tỉnh Long An

6

3

NGHIÊN CỨU NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ĐỀ XUẤT NHỮNG BIỆN PHÁP BẢO VỆ VÙNG VEN BIỂN TỈNH KIÊN GIANG

Nguyễn Văn Được, Tôn Thất Lãng – Trường Đại học TNMT TP. Hồ Chí Minh

Biến đổi khí hậu đã thể hiện rõ ở Tỉnh Kiên Giang qua nền nhiệt độ tăng với giá trị 0,11 độ C/ năm. Lượng mưa bình quân trong ngày cao hơn nhiều, gây nhiều hiện tượng lũ quét cục bộ. Trong mùa khô thì hạn hán khắc nghiệt hơn, dẫn đến hiện tượng cháy rừng diễn ra nghiêm trọng hơn. Hiện tượng nước biển dâng là rất rõ, bình quân mỗi năm mực thủy triều tăng 1,6 cm.

Thay đổi do biến đổi khí hậu và nước biển dâng trước hết làm thay đổi môi trường sống của thưc vật và động vật, làm thay đổi tính đa dạng sinh học. Việc suy giảm các hệ sinh thái đặc biệt này làm mất đi cảnh quan thiên nhiên và ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội, trong đó ngành du lịch và các ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cần thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp như xây dựng dự án quan trắc, cảnh báo sớm với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng dự án đầu tư hệ thống đê bao dự án đập ngăn nước biển, dự án tiêu thoát nước cục bộ và các trạm bơm dọc theo bờ biển dài hơn 200 km của tỉnh; xây dựng hệ thống đai rừng ngập mặn…

11

4

TÍNH TOÁN KHUẾCH TÁN CHẤT Ô NHIỄM BỤI TỪ KHÍ THẢI NHÀ MÁY XI MĂNG HOÀNG THẠCH, TỈNH HẢI DƯƠNG

Lý Đức Tài – Trung tâm Ứng dụng Công nghệ và Bồi dưỡng Nghiệp vụ KTTV&MT

Bài báo trình bày ứng dụng mô hình MET-LIS để tính toán khuếch tán chất ô nhiễm bụi lơ lửng tổng số (TSP) từ khí thải nhà máy xi măng Hoàng Thạch, tỉnh Hải Dương. Việc tính toán được tiến hành cho tổ hợp hai dây chuyền HT1 và HT2 của nhà máy. Kết quả được minh họa trên bản đồ khu vực nghiên cứu vào mùa hè và mùa đông.

Kết quả tính toán cho thấy rằng, hoạt động tổ hợp hai dây chuyền của nhà máy khi hệ thống lọc bụi tĩnh điện đạt 99% theo thiết kế thì nồng độ bụi lơ lửng tổng số TSP phân bố theo hướng gió chủ đạo đến khu vực xung quanh nhỏ hơn giới hạn cho phép theo QCVN 05:2009/BTNMT (Trung bình 24h). Ngược lại, khi nhà máy có sự cố hoặc xả thải thông qua hệ thống xử lý bụi, nồng độ bụi TSP lớn hơn TCCP từ 16,6 lần vào mùa hè và 22,9 lần vào mùa đông.

Từ phân tích, đánh giá kết quả thu được đã đưa ra kiến nghị việc kiểm soát và quản lý nghiêm ngặt đối với hoạt động của nhà máy nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng dân cư xung quanh.

18

5

SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP PHÂN NHÓM TRÊN CƠ SỞ TIÊU CHUẨN CỰC TIỂU BIẾN PHÂN TRONG TỐI ƯU HÓA MẠNG ĐIỂM QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ QUẢNG NINH

Vũ Văn Mạnh – Khoa môi trường, Trường Đại học KHTN, Đại học quốc gia Hà Nội.

Trần Thanh Bình – Trung tâm quan trắc và Phân tích Môi trường, Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh

Trong những năm qua (2006 – 2010, tỉnh Quảng Ninhlaf một trong những địa phương đi đầu trong cả nước bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng của diễn biến thời tiết và sự phát triển  kinh tế - xã hội; công tác BVMT của tỉnh đang có dấu hiệu không theo kịp. Việc quan trắc, phân tích chất lượng không khí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đơn vị quản lý nhà nước về BVMT.

Bài báo này trình bày cơ sở khoa học một số tiếp cận toán học trong đánh giá sự hợp lý của mạng lưới quan trắc môi trường không khí tỉnh Quảng Ninh, đồng thời sắp xếp tối ưu hóa lại mạng lưới.

24

6

VẬN DỤNG HƯỚNG TIẾP CẬN NGHIÊN CỨU LIÊN KẾT PHÂN TÍCH LƯU VỰC VỚI PHÂN LOẠI CẢNH QUAN SINH THÁI PHỤC VỤ PHÂN LOẠI CÁC LOẠI HÌNH SỬ DỤNG ĐẤT CHÍNH LƯU VỰC SÔNG CHU (Phần lãnh thổ Việt Nam)

Lê Kim Dung – Bộ môn Địa lý, Trường Đại học Hồng Đức

Quy hoạch sử dụng đất là công cụ phục vụ đắc lực trong sử dụng hợp lý tài nguyên đất nói riêng, khai thác hợp lý lãnh thổ và bảo vệ môi trường nói chung. Quy hoạch sử dụng đất tạo nên sự hài hòa giữa sử dụng đất và mục tiêu phát triển hiện tại và lâu dài.

Bài viết này tác giả trình bày phương pháp liên kết phân tích lưu vực với phân loại cảnh quan sinh thái phục vụ phân loại khả năng đất đai cho các loại hình sử dụng đất chính nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên đất, đặc biệt là đất nông lâm nghiệp, trên lưu vực sông Chu.

31

7

MÔ HÌNH HÓA CHẤT LƯỢNG NƯỚC SÔNG LƯU VỰC SÔNG BẰNG PHẦN MỀM HYDROLOGIC SIMULATION PROGRAM – FORTRAN

Nguyễn Hồng Quân – Phòng Quản lý Tài nguyên Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Chất lượng nước của một lưu vực sông bị ảnh hưởng không chỉ bởi các nguồn thải cụ thể (point sources – nguồn thải điểm) như từ các nhà máy, cống thải mà còn bởi nước mưa chảy tràn, xói mòn đất (nguồn thải phân tán – diffuse sources) kéo theo chất ô nhiễm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bài báo này giới thiệu mô hình HYDROLOGIC SIMULATION PROGRAM – FORTRAN (HSPF), một mô hình có thể được sử dụng để tính toán tải lượng ô nhiễm tổng hợp từ 2 nguồn thải trên. Mô hình HSPF được áp dụng cho lưu vực suối Trà Phí, tỉnh Tây Ninh. Kết quả mô phỏng cho thấy, mô hình có thể áp dụng được trong điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, do mức độ phức tạp của mô hình (ví dụ: nhiều quá trình được mô phỏng, nhiều thông số mô hình), đòi hỏi tính chuyên môn cao, việc nghiên cứu phát triển mô hình đơn giản hơn cũng là điều hết sức cần thiết.

41

8

MÔ PHỎNG, TÍNH TOÁN DÒNG CHẢY VÀ QUÁ TRÌNH TRUYỀN TẢI, KHUẾCH TÁN NƯỚC THẢI Ô NHIỄM TRONG HỒ TÂY – HÀ NỘI

Trịnh Tiến Thu – Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội

 Nguyễn Tất Thắng – Viện Cơ học – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu, mô phỏng, tính toán dòng chảy do gió trong Hồ Tây và quá trình truyền tải, khuếch tán chất thải lơ lửng từ các cống nước thải đổ vào Hồ Tây sử dụng chương trình tính toán EFDC (Environmental Fluid Dynamics Code) của cục Môi trường Mỹ (EPA). Việc xây dựng mô hình mô phỏng, tính toán, kết xuất và trình diễn các kết quả tính toán được thực hiện sử dụng phần mềm giao diện hỗ trợ EFDC – Explorer (EE). Mô phỏng được thực hiện cho thời gian đầu tháng 12 mùa kiệt năm 2009. Kết quả mô phỏng tính toán trường dòng chảy do gió trong hồ đã cho chúng ta hình ảnh chi tiết về quá trình vận động của nước trong hồ, một vấn đề cho đến nay vẫn chưa có các quan sát, đo đạc thực nghiệm.

Kết quả mô phỏng, tính toán quá trình truyền tải, khuếch tán chất thải độc hại lơ lửng trong nước hồ từ các cống thải vào hồ đã xác nhận sự khác biệt trong  chất lượng môi trường nước Hồ Tây giữa vùng phía Bắc hồ và vùng phía Nam hồ như kết quả của các đo đạc, phân tích và quan trắc chất lượng nước Hồ Tây đã được thực hiện trong các nghiên cứu khác. Đồng thời nghiên cứu cho thấy triển vọng hết sức khả quan của việc khai thác, ứng dụng phần mềm miễn phí EFDC trong mô phỏng, tính toán dòng chảy và chất lượng nước ba chiều hiện đại có hiệu quả cao và thân thiện với người sử dụng.

47

9

HỘI THẢO QUỐC TẾ MAHASRI/HYARC LẦN THỨ II VỀ GIÓ MÙA CHÂU Á VÀ CHU TRÌNH NƯỚC

Hoàng Gia Hiệp – Giám đốc Đài Khí tượng Cao không

55

10

CHIẾN DỊCH “LÀM CHO THẾ GIỚI SẠCH HƠN NĂM 2011”

Ngọc Hà – Tạp chí KTTV

57

11

TÓM TẮT TÌNH HÌNH KHÍ TƯỢNG, KHÍ TƯỢNG NÔNG NGHIỆP, THỦY VĂN THÁNG 7 NĂM 2011

Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương

58

12

THÔNG BÁO KẾT QUẢ QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TẠI MỘT SỐ TỈNH, THÀNH PHỐ

Trung tâm Mạng lưới KTTV và Môi trường

70

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất