Mục lục Tạp chí Khí tượng Thủy văn Tháng 4 năm 2016

Đăng ngày: 01-04-2016 File đính kèm
Số 664 * Tháng 4 năm 2016

STT

Tên bài và tác giả

Số trang

1

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN SỬ DỤNG NƯỚC CHO NÔNG NGHIỆP CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Mai Kim Liên(1), Trần Hồng Thái(2), Hoàng Văn Đại(3),

Đặng Ngọc Điệp(4), Trần Đỗ Bảo Trung(5) - (1) Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; (2) Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia; (3) Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; (4) Bộ Tài nguyên và Môi trường, (5) University Of Texas at Arlington USA

Tóm tắt: Bài báo trình bày kết quả tính toán nhu cầu sử dụng nước của một số cây nông nghiệp chính (cây lúa và mầu) trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, tập trung đánh giá phân tích sự thay đổi về tổng nhu cầu sử dụng nước tưới, sự thay đổi về nhu cầu tưới giữa các tháng trong năm và sự thay đổi về nhu cầu tưới giữa các tiểu vùng trong khu vực nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với kịch bản phát thải trung bình (B2) tổng nhu cầu dùng nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến giữa thế kỷ tăng 17,9% so với thời kỳ cơ sở.

1

2

ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN LƯỢNG BỐC THOÁT HƠI TIỀM NĂNG KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Lương Văn Việt - Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Mục đích của bài báo này là nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến lượng bốc thoát hơi tiềm năng trong giai đoạn từ 1978-2013 trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phương pháp tính lượng bốc thoát hơi tiềm năng được sử dụng là Penman-Monteith, với số liệu đầu vào là các giá trị trung bình tháng của nhiệt độ tối thấp, nhiệt độ tối cao, độ ẩm tương đối, gió và số giờ nắng trung bình. Kết quả nghiên cứu cho thấy do có sự gia tăng đáng kể của nhiệt độ đã làm cho lượng bốc thoát hơi tiềm năng tăng đáng kể, nhất là từ tháng 12 đến tháng 2, với mức tăng tính trung bình cho ĐBSCL là 11mm.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu, Bốc thoát hơi tiềm năng

6

3

HOÀN LƯU GIÓ MỰC 850 hPa TRONG MÙA GIÓ MÙA MÙA HÈ TRÊN KHU VỰC VIỆT NAM

Nguyễn Đăng Mậu, Nguyễn Văn Thắng, Mai Văn Khiêm - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

 

Tóm tắt:Trên cơ sở số liệu tái phân tích CFSR thời kỳ 1981-2010, bài báo trình bày kết quả đánh giá biến động nội mùa hoàn lưu mực 850 hPa trên khu vực Việt Nam trong mùa gió mùa mùa hè. Độ lệch so với trung bình mùa hè của trường gió mực 850 hPa được sử dụng để phản ánh biến động nội mùa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hoàn lưu mực 850 hPa có sự thay đổi đột ngột vào thời kỳ thời kỳ bắt đầu gió mùa, đới gió tây liên tục được mở rộng và phát triển, áp cao Tây Thái Bình Dương suy yếu và dịch chuyển về phía đông. Thời kỳ kết thúc gió mùa diễn ra chậm chạp hơn so với thời kỳ bắt đầu, đặc điểm nổi bật là hoàn lưu gió đông thay thế gió tây, lưỡi áp cao Tây Thái Bình Dương lấn xa về phía tây. Trong mùa gió mùa mùa hè, biến động của hoàn lưu gió mực 850 hPa gắn liền với sự mạnh/yếu của xoáy nghịch biển Ả Rập và áp cao Tây Thái Bình Dương. Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, đới gió tây liên tục được tăng cường và mở rộng; sang tháng 9, gió tây suy yếu rất nhiều với mức giảm tương đương với mức tăng trong các tháng trước đó.

Từ khóa: Gió mùa mùa hè, hoàn lưu gió 850 hPa

12

4

XÂY DỰNG CÔNG NGHỆ CẢNH BÁO ÚNG NGẬP THỜI GIAN THỰC LƯU VỰC SÔNG KIM NGƯU, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Nguyễn Văn Đào, Đinh Thị Hương Thơm, Đào Tiến Đạt - Đài Khí tượng Thủy văn  khu vực Đồng bằng Bắc Bộ

Tóm tắt: Dự án “Xây dựng hệ thống cảnh báo úng ngập thời gian thực cho nội thành Hà Nội”bắt đầu khởi động tháng 12/2013 do quỹ Bắc Âu tài trợ với vốn đối ứng của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong khuôn khổ Dự án, các đơn vị liên quan như Đài Khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã tiếp nhận công nghệ MIKE URBAN xây dựng mô hình cảnh báo úng ngập cho 8 quận nội thành Hà Nội và kế thừa hệ thống cảnh báo úng  ngập thời gian thực cho lưu vực sông Kim Ngưu. Bài báo giới thiệu tóm tắt công nghệ cảnh báo úng ngập thời gian thực MIKE OPERATIONS cho lưu vực Kim Ngưu, Hà Nội.

Từ khóa: MIKE OPERATIONS, cảnh báo thời gian thực, sông Kim Ngưu, thành phố Hà Nội

19

5

NGHIÊN CỨU TÍNH TOÁN CHỈ SỐ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG XÃ HỘI DO NGẬP CHO XÃ TAM THÔN HIỆP, HUYỆN CẦN GIỜ

Trần Thị Kim(1), Lieou Kiến Chính(2), Trà Nguyễn Quỳnh Nga(2), Nguyễn Kỳ Phùng(3), Nguyễn Thị Bảy(2)

1Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM

2Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG Tp.HCM

3Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM

Tóm tắt: Chỉ số dễ bị tổn thương xã hội là chỉ số xác định mức độ gây hại dựa trên các tiêu chí xã hội, đây được xem là công cụ đắc lực nhằm phục vụ cho việc quản lý sự thích ứng và giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu. Xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ là vùng đất thấp ven biển, chịu ảnh hưởng của triều Biển Đông nên tình hình ngập úng cũng diễn ra thường xuyên và trên diện rộng. Đặc biệt, trước những nguy cơ biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, tình hình ngập sẽ trở nên đáng kể và nghiêm trọng. Trước tình hình đó, nghiên cứu tính toán Chỉ số dễ bị tổn thương xã hội là một trong những giải pháp hỗ trợ nhằm đánh giá mức độ tổn thương của người dân khu vực thiên tai (4 ấp thuộc xã Tam Thôn Hiệp). Theo UNESCO - IHE, chỉ số này là một hàm số được thiết lập dựa trên 3 tiêu chí: độ phơi nhiễm, tính nhạy và khả năng phục hồi. Trong nghiên cứu, nhóm tác giả đã sử dụng 2 phương pháp chính: cây thứ bậc AHP và phương pháp chuyển tuổi để tính toán. Kết quả cho thấy, chỉ số dễ bị tổn thương của ấp An Hòa là lớn nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu, trong khi đó chỉ số tổn thương của ấp Trần Hưng Đạo là nhỏ nhất.

Từ khóa: Chỉ số dễ bị tổn thương, Tam Thôn Hiệp, chỉ số dễ bị tổn thương xã hội.

24

6

MÔ HÌNH NỘI, NGOẠI SUY BỔ KHUYẾT SỐ LIỆU TỪ CÁC TRẠM QUAN TRẮC TỰ ĐỘNG

Phạm Ngọc Hồ(1) , Trần Thị Thu Hường(2)

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

2Tổng cục Môi trường

Tóm tắt: Bài báo trình bày phương pháp thiết lập mô hình nội, ngoại suy bổ khuyết số liệu thiếu hụt từ các trạm quan trắc tự động cố định hoặc di động dựa trên cơ sở lý thuyết hàm ngẫu nhiên sử dụng đại lượng nhiễu động dừng. Đã ứng dụng để nội, ngoại suy thông số CO cho trạm quan trắc tự động cố định thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Kết quả thử nghiệm cho thấy độ chính xác của mô hình đạt 82,9 – 99,88% ứng với khoảng thời gian nội, ngoại suy tối ưu giờ. Đây là cơ sở để triển khai phương pháp nội, ngoại suy bổ khuyết số liệu thiếu hụt cho các thông số môi trường không khí khác (SO2, NO2, TSP, v.v.)

Từ khóa: Nội, ngoại suy bổ khuyết số liệu

34

7

NGHIÊN CỨU PHƯƠNG PHÁP THỐNG KÊ HIỆU CHỈNH LƯỢNG MƯA MÔ HÌNH

Lưu Nhật Linh, Mai Văn Khiêm - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Tóm tắt:Bài báo này nghiên cứu thử nghiệm phương pháp hiệu chỉnh thống kê sản phẩm mô phỏng mưa của mô hình dựa trên hàm phân bố xác xuất.Đây là phương pháp dựa trên quan điểm điều chỉnh hàm phân bố xác suất tích lũy (CDF) của mô hình theo phân bố tích lũy của số liệu quan trắc. Kết quả áp dụng thử nghiệm hiệu chỉnh số liệu mưa mô hình tại điểm trạm khí tượng Láng với 2 thời kỳ phụ thuộc (1976 – 2005) và độc lập (1961 – 1975). Kết quả chỉ ra rằng, đối với cả 2 thời kỳ được xem xét, phương pháp hiệu chỉnh cải thiện rõ rệt kết quả từ mô hình, biến trình năm của lượng mưa, tần suất số ngày mưa và các giá trị mưa cực đoan có sự phù hợp hơn so với số liệu quan trắc.

43

8

Tóm tắt tình hình khí tượng, khí tượng nông nghiệp, thủy văn tháng 3 năm 2016 - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

50

9

Tóm tắt tình hình môi trường không khí và nước tháng 3 năm 2016

59

10

Thông báo kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số tỉnh, thành phố tháng 3 năm 2016 - Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn và Môi trường

61

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất