Mục lục Tạp chí Khí tượng Thủy văn Tháng 8 năm 2012

Đăng ngày: 01-07-2012 File đính kèm
Số 620 * Tháng 8 năm 2012

STT

Tên bài

Trang

1

KHẢ NĂNG XÂY DỰNG CÁC BÃI GIẾNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT CÔNG SUẤT LỚN CUNG CẤP CHO THỦ ĐÔ HÀ NỘI

PGS.TS. Nguyễn Văn Đản, KS. Nguyễn Duy Hùng - Viện Tài nguyên môi trường nước                      

Thủ đô Hà Nội có nhu cầu về nước sinh hoạt rất lớn. Để đáp ứng đủ nhu cầu này, hiện nay, nguồn nước dưới đất đang được khai thác rất mạnh mẽ. Việc đầu tư lớn cho điều tra đánh giá cho thấy nước dưới đất ở đây rất phong phú. Bài báo này tổng hợp các kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất, đề xuất định hướng khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất và áp dụng các công nghệ xây dựng giếng khai thác có công suất lớn.

1

2

ỨNG DỤNG MÔ HÌNH DIỄN TOÁN ĐÁNH GIÁ TỶ LỆ GÂY Ô NHIỄM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRONG KHU CÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG

PGS. TSKH. Bùi Tá Long, KS. Nguyễn Duy Hiếu, KS. Hồ Thị Phi Khanh - Viện Môi trường, Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM

Hiện nay Việt Nam có 70% khu công nghiệp xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn (nguồn Báo cáo môi trường quốc gia, 2009). Nguyên nhân là chưa có giải pháp kỹ thuật kiểm soát chất lượng, lưu lượng xả thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và do việc đầu tư, vận hành của các công ty hạ tầng chưa nghiêm túc. Đã có nhiều công nghệ để xử lý nước thải được đưa ra, tuy nhiên hiệu quả xử lý nước thải đối với loại hình nước thải tập trung  có nồng độ chất thải dao động biên độ lớn chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Do vậy, để đạt được mục tiêu kiểm soát chất lượng nước đầu ra, cần giải pháp cả về kỹ thuật lẫn công nghệ để giám sát nước thải của doanh nghiệp về lượng cũng như chất.

Quan trắc nước thải liên tục là hướng tiếp cận mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí triển khai khá tốn kém, do đó việc triển khai cho từng khu công nghiệp cần phải được thảo luận, xem xét kỹ trước khi ra quyết định. Bài báo này đưa ra một cách tiếp cận đánh giá tỷ lệ gây ô nhiễm của các doanh nghiệp bằng ứng dụng mô hình diễn toán SWWM (Storm Water Management Model – mô hình hình thành dòng chảy gây ra do mưa bão). Kết quả cho thấy, vai trò không như nhau của các doanh nghiệp trong tỷ lệ gây ô nhiễm, từ đó sẽ giới hạn đặt thiết bị quan trắc tại một số doanh nghiệp cũng như một số vị trí nhạy cảm. Phương pháp này sẽ kinh tế hơn so với áp dụng ồ ạt, giúp cho công ty hạ tầng cải thiện vấn đề kiểm soát nước thải doanh nghiệp hiệu quả hơn. Nghiên cứu được thực hiện tại khu công nghiệp Hiệp Phước, Tp. Hồ Chí Minh. 

6

3

CHẾ ĐỘ HOÀN LƯU TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM VÀ BIỂN ĐÔNG TRONG CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA ENSO

PGS. TS. Nguyễn Đăng Quế, GS. TS. Nguyễn Trọng Hiệu - Trung tâm Khoa học Công nghệ KTTV&MT

Theo số liệu thống kê, từ năm 1960 đến năm 2009 đã xẩy ra 15 đợt El nino (E) và 12 đợt La nina (L). Trong mỗi đợt đều ghi lại được thời gian hình thành, kết thúc của mỗi đợt, khoảng thời gian hoạt động (tháng), cường độ (trị số SSTA cao nhất) và thời gian xảy ra (tháng, năm). Các đợt E mạnh nhất xẩy ra vào các năm 1997-1998 và 1982-1983, đợt kéo dài nhất là đợt xẩy ra năm 1986-1988 (17 tháng). Đợt L mạnh nhất xẩy ra năm 1988-1989. Các đợt L dài nhất xẩy ra 1973-1976 (37 tháng) và 1998-2001 (33 tháng). 

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về ENSO được công bố, trong đó có không ít các công trình đề cập đến bản chất của hiện tượng [1,3]. Tuy nhiên, phần lớn các công trình tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của ENSO đến thời tiết, khí hậu và xây dựng các phương pháp dự báo thời tiết, khí hậu cũng như các hiện tượng cực đoan tại các khu vực địa lý khác nhau [1,2,4,5]. Qua các công trình nghiên cứu, có thể thấy được mức độ ảnh hưởng rất lớn của các hiện tượng E và L đến thời tiết khí hậu tại các thời khoảng khác nhau đối với từng khu vực khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ngoài ảnh hưởng của ENSO, thời tiết khí hậu còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện địa hình, địa vật của khu vực nghiên cứu cũng như vào tác động của các trung tâm tác động khác trong khu vực. Vấn đề đặt ra ở đây, ngoài việc nghiên cứu theo các định hướng nêu trên, vẫn rất cần các nghiên cứu về bản chất hiện tượng ENSO, về cấu trúc và cơ chế tác động của các trung tâm tác động cũng như chế độ khí hậu tại các khu vực bị tác động.

Bài này trình bày một số kết quả nghiên cứu về chế độ hoàn lưu tại các khu vực khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam và Biển Đông trong các giai đoạn phát triển của các hiện tượng E và L. Các khu vực nghiên cứu bao gồm: Bắc bộ (BB) (15N-25N, 90E-120E), Trung Bộ (TB) (10N-20N, 90E-120E), Nam Bô (NB) (5N-15N, 90E-120E), Biển Đông (BĐ) (0-25N, 105E-120E) và khu vực Nino34 (5N-5S, 120W-170W).

15

4

MÔ HÌNH TOÁN TÍCH HỢP NGUỒN THẢI ĐIỂM VÀ NGUỒN PHÂN TÁN CHO LƯU VỰC SÔNG THỊ TÍNH,PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG TIẾP NHẬN VÀ PHỤC HỒI CHẤT LƯỢNG NƯỚC

ThS. Lê Việt Thắng, PGS.TS. Lê Mạnh Tân - Đại học Thủ Dầu Một

TS. Nguyễn Hồng Quân – Viện Môi trường và Tài nguyên

GS.TS. Lâm Minh Triết – Viện Nước và Công nghệ Môi trường         

Sông Thị Tính là một phụ lưu của sông Sài Gòn nằm ở thượng nguồn các nhà máy cấp nước của tỉnh Bình Dương (BD) và Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Lưu vực sông (LVS) Thị Tính chủ yếu thuộc tỉnh BD và một phần nhỏ thuộc tỉnh Bình Phước, đây là một trong những vùng phát triển công nghiệp mạnh của tỉnh BD trong những năm qua. Kết quả quan trắc nhiều năm cho thấy, sông Thị Tính đang bị ô nhiễm chất hữu cơ, nhiều vị trí quan trắc không đạt quy chuẩn nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt – QCVN 08:2008/BTNMT. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng mô hình MIKE 11 trong đánh giá và dự báo chất lượng nước sông Thị Tính, trong đó xem xét đồng thời cả hai nguồn thải là nguồn phân tán và nguồn điểm trong mùa mưa (tháng 5 – 9/2010) cho chỉ tiêu BOD5, NH4. Kết quả tính toán các kịch bản cho thấy, nếu các cơ sở xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép thì chất lượng nước sông sẽ được cải thiện đáng kể, mặc dù còn vượt mức quy chuẩn cho phép. Do vậy, việc kiểm tra, giám sát các nguồn thải và giảm thiểu mức độ phát thải là hết sức cần thiết.

21

5

ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG BA

ThS. Lê Đức Thường - Trường Đại học Xây dựng Miền Trung

TS. Huỳnh Thị Lan Hương, PGS.TS. Trần Thục - Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường

Bài báo này giới thiệu kết quả nghiên cứu đánh giá chỉ số tổn thương tài nguyên nước lưu vực sông Ba. Từ chỉ số tính được, cho thấy tài nguyên nước lưu vực sông Ba đang bị suy thoái nghiêm trọng. Nguyên nhân suy thoái tài nguyên nước trên lưu vực chủ yếu từ sức ép khai thác, sử dụng nguồn nước mà chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.

27

6

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM MƯA, LŨ LƯU VỰC SÔNG BA TRONG BÀI TOÁN VẬN HÀNH LIÊN HỒ CHỨA KIỂM SOÁT LŨ HẠ DU

ThS. Lương Hữu Dũng - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường

Bài báo trình bày một phần kết quả nghiên cứu đặc điểm mưa, lũ nổi bật trên lưu vực sông Ba. Kết quả nghiên cứu góp phần xác lập cơ sở khoa học của bài toán vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ lưu vực sông Ba.

32

7

NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH MỘT SỐ THAM SỐ SÓNG BẰNG CÔNG NGHỆ VIỄN THÁM

Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Thanh Trang, Vũ Tiến Thành - Trung Tâm Hải Văn

Lê Quốc Hưng, Phạm Văn Giang - Trung tâm Viễn thám Quốc gia

Trong những năm gần đây, kỹ thuật radar đang được ứng dụng một cách rộng rãi trong các công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Những ưu thế vượt trội của kỹ thuật radar như công tác thu chụp ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, thu thập dữ liệu trong một phạm vi lớn một cách nhanh chóng, thu thập dữ liệu ở vùng sâu vùng xa đặc biệt là nó có khả năng thu thập dữ liệu biển trên các vùng biển và hải đảo. Hiện nay, các đầu thu ảnh radar vệ tinh đã được thiết lập các chế độ chụp để ghi nhận trực tiếp các dữ liệu về biển cung cấp những thông tin giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu biển. Việt Nam với vùng biển rộng lớn trải dài từ bắc xuống nam qua nhiều vĩ độ và kiểu thời tiết vô cùng phức tạp nên khai thác có hiệu quả kỹ thuật radar trong nghiên cứu biển biển có ý nghĩ hết sức quan trọng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thử nghiệm chiết tách một số thành phần của sóng biển như độ cao sóng, hướng sóng,… từ dữ liệu radar của vệ tinh ENVISAT ASAR.

36

8

ĐÁNH GIÁ SỰ BIẾN ĐỔI VỀ YẾU TỐ MƯA Ở CÁC TỈNH MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN

KS. Trần Văn Nguyên - Phòng Dự báo, Đài KTTV Khu vực Trung Trung Bộ

Những năm gần đây, thời tiết và khí hậu có chiều hướng diễn biến phức tạp. Những biến đổi bất thường của thời tiết và khí hậu đã tác động đáng kể đến đời sống xã hội. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự biến đổi của các yếu tố mưa như: tổng lượng mưa, cường độ mưa, số ngày mưa lớn. Sự biến đổi này ảnh hưởng rất lớn đến chu trình thủy văn và tài nguyên nước, làm cho các hiện tượng mưa mạnh lên hay yếu đi, gây ra những hiện tượng cực đoan như lũ lụt hoặc hạn hán nghiêm trọng.

Những nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho chúng ta thấy rõ, trong những thập niên gần đây đã có sự biến đổi nhiều của các yếu tố như: nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng ,.. Trong bài này, chúng tôi chỉ phân tích, đánh giá sự biến đổi của yếu tố mưa.

41

9

BÃO SỚM, MƯA MUỘN VÀ CÔNG TÁC DỰ BÁO PHỤC VỤ Ở BÌNH THUẬN

KS. Phạm Hùng Sơn - Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bình Thuận

Năm 2012 có thể nói là một năm có nhiều diễn biến bất thường về tình hình khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước và trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 03 cơn bão và 01 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông. Tỉnh Bình Thuận chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 1 (PAKHAR) ở vùng trung tâm và phía nam, đồng thời các loại thiên tai khác đã gây thiệt hại không nhỏ đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Phạm vi bài viết xin trình bày những nét chính về diễn biến khí tượng thủy văn (KTTV) trong 6 tháng đầu năm và công tác dự báo phục vụ KTTV ở Bình Thuận.

45

10

THỨ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ LÀM VIỆC TẠI CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN VỀ CÔNG TÁC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

47

11

Ngọc Hà: HỘI THẢO TẬP HUẤN VỀ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC

QUẢN LÝ DỰ ÁN CHO CÁN BỘ TRUNG TÂM KTTV QUỐC GIA

48

12

Tóm tắt tình hình khí tượng, khí tượng nông nghiệp, thủy văn tháng 7 năm 2012

Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương (Trung tâm KTTV Quốc gia) Trung tâm Nghiên cứu KTNN (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường)

49

13

Thông báo kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số tỉnh, thành phố tháng 7 - 2012 (Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn và Môi trường)

59

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất