MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN THÁNG 11 NĂM 2020

Đăng ngày: 24-11-2020 File đính kèm
Số 719 * Tháng 11 năm 2020

TT

Tên bài và tác giả

Số trang

1

Ứng dụng số liệu ảnh mây vệ tinh Himawari trong dự báo và cảnh báo mưa dông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

 Trần Thành Công1, Lê Ngọc Quyền1, Nguyễn Minh Giám1, Lê Đình Quyết1

1Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ

Tóm tắt: Vệ tinh Himawari 8 là thế hệ vệ tinh mới nhất của Nhật Bản, bao gồm 16 kênh phổ. Việc phân tích các kênh phổ mang lại nhiều thông tin phục vụ cho công tác phân tích, dự báo, cảnh báo mưa–dông. Nghiên cứu này trình bày kết quả nghiên cứu xây dựng công cụ trợ giúp công tác cảnh báo, dự báo mưa–dông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Các tiện ích được tích hợp trong công cụ sử dụng nguồn số liệu 16 kênh phổ ảnh vệ tinh Himawari phân tích, tính toán: phân loại mây (Ci, Sc, St, Cu, Cb..), xác định nhiệt độ và độ cao đỉnh mây, xác định vùng mây dông, xác định vùng mây có khả năng sinh mưa, tính toán sự di chuyển của các khối mây Cb. Công cụ cũng tính toán các số liệu phân tích và dự báo cho các vùng địa lý (đơn vị hành chính), đồng thời cung cấp tiện ích chuyển phát thông tin cảnh báo, dự báo thời hạn đến 6h một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Từ khóa: Ảnh mây; Mưa; Dông; Himawari; Dự báo; Cảnh báo.

1

2

Đặc điểm thành phần và phân bố hạt vi nhựa trong môi trường trầm tích tầng mặt khu vực vịnh Tiên Yên

Trương Hữu Dực1,2, Lưu Việt Dũng1,2*, Nguyễn Đình Thái2, Lê Văn Dũng1,2, Lê Thị Khánh Linh1,2, Trần Đăng Quy1,2, Nguyễn Tài Tuệ1,2

1Phòng thí nghiệm trọng điểm Địa môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

2Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt: Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và đại dương, đặc biệt là các hạt vi nhựa đã gây tác động bất lợi cho môi trường và các hệ sinh thái biển trong giai đoạn gần đây. Các nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về thất thoát rác thải nhựa ra môi trường biển và đại dương nên các nghiên cứu về hạt vi nhựa trong môi trường là rất cần thiết. Trong phạm vi của nghiên cứu này, đặc điểm phân bố về số lượng và thành phần hóa học của hạt vi nhựa trong môi trường trầm tích tầng mặt khu vực vịnh Tiên Yên đã được đánh giá cụ thể. Kết quả nghiên cứu cho thấy trầm tích tầng mặt khu vực vịnh Tiên Yên bị nhiễm bẩn từ 236–1324 hạt vi nhựa/kg, với giá trị trung bình 664±68 hạt vi nhựa/kg. Số lượng các loại hạt vi nhựa trong môi trường trầm tích vịnh Tiên Yên bao gồm Microfragment (8,54%), Microfoam (4,99%), Microfiber (84,9%) và Microfilm (1,57%). Thành phần hóa học của vi nhựa chủ yếu là các loại nhựa phổ biến như PE, PP, PA, PVC, PS, PET. Hạt vi nhựa có xu hướng tập trung tại khu vực phía Bắc vịnh Tiên Yên có liên quan đến các hoạt động nhân sinh trong khu vực nghiên cứu. Mức độ nhiễm bẩn hạt vi nhựa trong môi trường trầm tích vịnh Tiên Yên hiện nay ở mức tương đối cao khi so sánh với các khu vực khác trên thế giới nên cần có giải pháp quản lý tài nguyên và môi trường phù hợp.

Từ khóa: Vi nhựa; Trầm tích tầng mặt; Vịnh Tiên Yên.

14

3

Đánh giá tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính khi triển khai hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp

Huỳnh Thị Lan Hương1

1Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Tóm tắt: Theo báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, Việt Nam sẽ cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ các lĩnh vực trong đó có nông nghiệp. Báo cáo cũng đặt ra các mục tiêu về thích ứng với biến đổi khí hậu. Để có thể tăng cường khả năng chống chịu, cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu. Để góp phần thực hiện cam kết của quốc gia về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc tính toán lợi ích giảm phát thải khí nhà kính từ việc triển khai các hành động thích ứng là rất cần thiết. Báo cáo này thực hiện việc nghiên cứu tính toán lợi ích giảm phát thải khí nhà kính khi chuyển đổi diện tích trồng lúa sang cây trồng khác. Phương pháp tính toán dựa trên Hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính của IPCC. Kết quả tính toán cho thấy hoạt động thích ứng của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang các cây trồng khác sẽ làm giảm được khoảng 2,9 triệu tấn CO2 tđ vào năm 2020 và 3,5 triệu tấn CO2 tđ vào năm 2030 so với năm cơ sở 2014.

Từ khóa: Phát thải khí nhà kính; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Đồng lợi ích.

26

4

Nghiên cứu cảnh báo rủi ro do bão Sinlaku năm 2020 cho khu vực Bắc Trung Bộ theo bản tin dự báo 

Nguyễn Xuân Hiển1*, Nguyễn Thị Thanh1, Dư Đức Tiến2, Ngô Thị Thủy1, Nguyễn Văn Hưởng2, Trần Thanh Thủy1, Mai Khánh Hưng2, Doãn Huy Phương1

1Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

2Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Tóm tắt: Hàng năm, nước ta trung bình có khoảng 5–7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp, gây thiệt hại nặng nề về con người, kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, đánh giá rủi ro do bão, ATNĐ là một trong những nhiệm vụ cần thiết phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Bài báo trình bày nghiên cứu cảnh báo rủi ro do bão Sinlaku năm 2020 cho khu vực Bắc Trung Bộ theo bản tin dự báo bão. Kết quả tính toán cho thấy mức độ hiểm họa và rủi ro do bão tương đối phù hợp với thực tế diễn biến của cơn bão Sinlaku. Mặc dù các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đều có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão tuy nhiên mức độ rủi ro do bão ở các huyện không giống nhau, phụ thuộc vào các yếu tố hiểm họa, mức độ phơi bày, tính dễ bị tổn thương. Nghiên cứu này phần nào khắc phục được tính bất cập trong phân cấp cấp độ rủi ro do bão theo QĐ 44–TTg. 

Từ khoá: Rủi ro thiên tai; Bão; ATNĐ; Sai số dự báo; Bắc Trung Bộ.

38

5

Hiện trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Đỗ Thị Thu Huyền1

1Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Tóm tắt: Bài báo này sẽ đánh giá hiện trạng phát triển nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao ở Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV). Tính đến thời điểm 31/12/2019 có 2.836 công chức, viên chức và người lao động làm việc trên phạm vi cả nước trong đó, công chức làm việc tại các đơn vị quản lý nhà nước có 28 người, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Về cơ bản, nguồn nhân lực của Tổng cục KTTV được đào tạo đúng chuyên ngành KTTV nhưng tỉ lệ phân bố nguồn nhân lực chất lượng cao (viên chức có trình độ từ đại học trở lên) không đồng đều giữa các đơn vị. Trong giai đoạn gần đây, trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao trong khi vẫn đảm bảo được chỉ tiêu tinh giản biên chế. Tuy nhiên, tỷ lệ trình độ trung cấp và cao đẳng vẫn còn duy trì ở mức cao, đặc biệt là ở các Đài KTTV khu vực. Cơ cấu độ tuổi hiện tại còn bất cập trong đó độ tuổi từ 41 đến 50 tuổi và trên 51 tuổi chiếm gần một nửa (48,17%). Chính sách phát triển NNL chất lượng cao đã được triển khai thực hiện tương đối tốt và phát huy hiệu quả trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần đòi hỏi phải có những đổi mới mang tính đột phá.

Từ khóa: Nguồn nhân lực; Chính sách phát triển.

52

6

Nghiên cứu phân bố front nhiệt độ nước biển tầng mặt ở biển Việt Nam phục vụ dự báo ngư trường khai thác hải sản

Nguyễn Văn Hướng1*, Nguyễn Hoàng Minh1, Bùi Thanh Hùng1, Trần Văn Vụ1, Cấn Thu Văn2

1Viện Nghiên cứu Hải sản

2Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

Tóm tắt: Sự xuất hiện của các dải front nhiệt ở biển Việt Nam phụ thuộc vào sự hoạt động của hệ thống gió mùa đông bắc và tây nam. Trong mùa gió đông bắc, ở vịnh Bắc Bộ tồn tại dải front gần như chạy song song với đường đẳng sâu 50 m, mạnh nhất ở khu vực gần Bạch Long Vĩ và phía bắc Đèo Ngang, gradient nhiệt bề mặt tại khu vực này ≥ 0,2 oC/10km. Ở vùng biển Nam Trung Bộ tổn tại một dải front nằm ở ngoài khơi Trung Bộ dọc theo kinh tuyến 110,0oE từ khu vực biển Đà Nẵng đến đảo Phú Quý và ở khu vực cửa vịnh Thái Lan hình thành một dải front ở gần khu vực ngoài khơi vùng biển Cà Mau. Mùa gió tây nam, ở khu vực ngoại vi trung tâm hoạt động nước trồi Nam Trung Bộ tồn tại một dải front kéo dài từ phía bắc Vũng Tàu đến Khánh Hòa với gradien ngang của nhiệt độ và độ muối rất lớn. Bên cạnh đó, ở khu vực phía bắc tâm hoạt động nước trồi ngoài khơi Đèo Ngang–Quảng Bình là dải chồng lấn của khối nước nhạt lợ (T = 28,0–31,0 oC, S < 33,0‰) khu vực ven bờ tây Vịnh Bắc Bộ và khối nước ngoài khơi có nhiệt độ thấp, độ muối tương đối cao (T = 27,0–28,0 oC,  S = 33,0–34,0‰). Kết quả nghiên cứu ngư trường khai thác cá cho thấy, khu vực có sản lượng cá khai thác cao thường tập trung ở khu vực gần các dải fornt này hoặc gần khu vực có gradien nhiệt độ ≥ 0,05o/10km ở các vùng biển vịnh Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

Từ khóa: front, gradien nhiệt độ, ngư trường khai thác hải sản.

66

7

Thị trường trao đổi tín chỉ các–bon: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách cho Việt Nam 

Mai Kim Liên1, Lương Quang Huy1, Nguyễn Thành Công1*, Đỗ Tiến Anh2

1Cục Biến đổi khí hậu

2Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Tóm tắt: Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các–bon thấp. Theo đó, trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam cam kết bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) quốc gia, tập trung vào 5 lĩnh vực chính bao gồm: năng lượng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp; sử dụng đất thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF); chất thải. Mức cam kết này có thể tăng lên tới 27% nếu nhận được sự hỗ trợ từ phía quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và các cơ chế thị trường theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Song song với các nỗ lực giảm nhẹ, Chính phủ Việt Nam cũng đặt ưu tiên trong việc duy trì đà phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh như vậy, việc xây dựng và thiết lập thị trường các–bon nội địa phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam là phù hợp và thiết thực. Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng thị trường các–bon nội địa, trước hết cần nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế trong việc thiết lập và xây dựng thị trường các–bon nội địa, cần phải hiểu được hoàn cảnh ra đời của các thị trường, mục tiêu và cách thức hoạt động của các thị trường này. Thị trường các–bon nội địa của các nước khác nhau có những đặc thù khác nhau, thị trường các–bon nội địa của các nước phát triển khác với các nước đang phát triển. Dựa trên tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, phân tích hiện trạng hạ tầng thể chế, chính sách ở Việt Nam, bài báo đề xuất các giải pháp cụ thể để hướng tới xây dựng và triển khai thành công thị trường trao đổi tín các–bon nội địa cho Việt Nam.

Từ khóa: Thị trường các–bon nội địa; Đóng góp do quốc gia tự quyết định; ETS.

76

8

Phân bố sai số dự báo bão trên Biển Đông từ các mô hình số trị

Trần Như Quỳnh1, Trần Tân Tiến2, Trần Quang Năng1*

1Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

2Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội

Tóm tắt: Bài báo tổng quan và đánh giá phân bố về mặt không gian sai số dự báo bão trên khu vực Biển Đông giai đoạn 2012–2016 từ các mô hình dự báo thời tiết số trị (NWP) quy mô toàn cầu đang được ứng dụng trong nghiệp vụ dự báo bão tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia hiện nay, bao gồm mô hình GFS (Hoa Kỳ), mô hình GSM (Nhật Bản) với độ phân giải 50km x 50km, mô hình IFS (Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa Châu Âu, ECMWF) với độ phân giải 14km x 14km. Nghiên cứu sử dụng số liệu quỹ đạo chuẩn (best–track) của Trung tâm cảnh báo bão của Hải quân Hoa Kỳ (Joint Typhoon Warning Center – JTWC). Một lưới tính với độ phân giải 50km x 50km được thiết lập để xác định sai số trung bình trên từng ô lưới, qua đó đưa ra được phân bố về mặt không gian trên Biển Đông của cường độ bão và quỹ đạo bão của các mô hình này trong giai đoạn 2012–2016.

Từ khóa: Sai số dự báo bão trên Biển Đông; Phân bố sai số dự báo bão.

87

9

BẢN TIN DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG, THỦY VĂN THÁNG 11 NĂM 2020

95

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất