MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN THÁNG 5 NĂM 2020

Đăng ngày: 02-07-2020 File đính kèm
Số 713 * Tháng 5 năm 2020

TT

Tên bài và tác giả

Số trang

1

Nghiên cứu ứng dụng mô hình toán và công thức thực nghiệm đánh giá sự phát triển của hố xói sâu hạ lưu sông hậu và sông Vàm Nao

Trà Nguyễn Quỳnh Nga1,2, Lê Thanh Thuận1,2, Huỳnh Công Hoài1,2, Nguyễn Thị bảy1,2

1Trường Đại học Bách Khoa TP. HCM

2Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Phía hạ lưu sông Vàm Nao hợp lưu với sông Hậu, ngày 22 tháng 04 năm 2017 đã xảy ra một vụ sạt lở lớn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh và kinh tế của địa phương. Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì địa hình nơi đây có một hố xói sâu gần bờ, làm ảnh hưởng đến độ dốc và độ ổn định mái bờ gây sạt lở. Trong bài báo này, phương pháp mô hình toán được sử dụng để đánh giá sự phát triển của hố xói, đồng thời ứng dụng dụng công thức thực nghiệm để tính toán độ sâu lớn nhất của hố xói. Kết quả tính toán từ mô hình cho thấy hố xói phía hạ lưu ngã ba sông phát triển sâu hơn 1m, rộng hơn 300m về phía hạ lưu trong một năm tính toán, có xu hướng phát triển phù hợp với số liệu đo đạc và cũng phù hợp với kết quả tính toán từ công thức thực nghiệm (tính được độ sâu tối đa hố xói khoảng 40m). Nhìn chung nghiên cứu đã cho thấy sự phát triển theo thời gian và không gian của hố xói.

Từ khóa: Sạt lở, Sông Hậu, Sông Vàm Nao, Hố xói sâu, Mô hình toán

1

2

Đánh giá khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của mô hình quản lý đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh

Trần Nhật Nguyên1, Trịnh Thị Minh Châu1, Nguyễn Thị phụng2, Nguyễn Kỳ phùng3

1Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

2Đại học Tài nguyên và môi trường TPHCM

3Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM

Tóm tắt: Đô thị có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là đô thị đảm bảo việc cung cấp và vận hành hệ thống hạ tầng đô thị cho người dân trong các tình huống xảy ra thiên tai do tác động của BĐKH. Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang phải đối diện với những thách thức mới do tác động của BĐKH. Để hạn chế nguy cơ của BĐKH đe dọa đến mục tiêu phát triển, thành phố cần chủ động tăng cường khả năng thích ứng. BĐKH tác động đến đa lĩnh vực, do đó để đánh giá khả năng thích ứng với BĐKH, nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát bằng phiếu hỏi đối với cán bộ công chức quản lý các cấp tại TP.HCM ở 8 lĩnh vực (cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội, môi trường, nhà ở - xây dựng - quy hoạch, kinh tế, tư pháp, nghiên cứu, văn phòng - thống kê) dựa trên bộ tiêu chí nhằm đánh giá khả năng thích ứng của các cấp, các ngành trước thách thức của BĐKH. Kết quả đánh giá giúp nhận diện những mặt tồn tại từ đó sẽ có những kiến nghị về điều chỉnh trong công tác quản lý tại TP.HCM nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH của TP.HCM.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu, khả năng thích ứng, quản lý đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh.

11

3

Nghiên cứu ứng dụng mô hình IFAS và dữ liệu viễn thám trong mô phỏng dòng chảy lũ lưu vực sông Thao

Bùi Tuấn Hải1, Lê Viết Sơn1

1Viện Quy hoạch Thủy lợi

Tóm tắt: Nghiên cứu này ứng dụng kết hợp dữ liệu viễn thám và mô hình IFAS trong mô phỏng dòng chảy lũ xuyên biên giới lưu vực sông Thao với phần lớn lưu vực nằm ở phía Trung Quốc. Kết quả hiệu chỉnh và kiểm định mô hình IFAS cho trận lũ năm 2008 và 2016 chỉ ra rằng mô hình với số liệu đầu vào viễn thám có khả năng mô phỏng dòng chảy lũ khá tốt. Kết quả hiệu chỉnh mô hình IFAS trận lũ tháng 8/2008 cho hệ số tương quan R2 = 0,887, hệ số NSE = 0,813; kết quả kiểm định với trận lũ tháng 8/2016 cho hệ số R2 = 0,555 và hệ số NSE = 0,547. Kết quả hiệu chỉnh mô hình mô phỏng ngập lụt TP. Yên Bái và khu đông dân cư ven sông Thao bằng cách liên kết mô hình thủy lực 1 chiều MIKE11 và mô hình thủy lực 2 chiều MIKE21 cho kết quả với trận lũ tháng 8/2008 hệ số R2 tại Yên Bái đạt 0,875; hiệu chỉnh với trận lũ 8/2016 hệ số R2 tại Yên Bái đạt 0,624. Nghiên cứu cũng xây dựng bản đồ vùng nguy cơ ngập lụt tương ứng với kịch bản lũ lịch sử năm 2008 và 2016. Việc mô phỏng được một cách khá tốt dòng chảy lũ trên lưu vực sông Thao là tiền đề để dự báo lũ cho hạ du sông Thao, nhằm phòng chống và giảm thiểu tác hại của lũ gây ra cho kinh tế - xã hội , đặc biệt khu vực dân cư tập trung ven sông Thao.

Từ khóa: Sông Thao, Viễn thám, IFAS, GSMAP, MIKE11, MIKE21.

24

4

Phương pháp xác định khu vực rủi ro lũ bùn đá dựa vào bản đồ địa hình

Vũ bá Thao1, Nguyễn Trung Kiên2

1Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

2Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Đại học Xây Dựng

Tóm tắt: Trong các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở miền núi phía Bắc Việt Nam, lũ bùn đá là loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn nhất về người và tài sản. Sự xuất hiện của lũ bùn đá thường bất ngờ, nhanh, khó dự báo, cảnh báo và rất khó phòng tránh, đa phần gây ra hậu quả hết sức nặng nề. Trong các giải pháp phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro lũ bùn đá gây ra, công tác xác định các khu vực có rủi ro cao, để từ đó có những phương án ứng phó phù hợp theo cấp độ, cũng như đề xuất các phương án quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế xã hội bền vững là hết sức cần thiết. Nghiên cứu này trình bày một phương pháp đơn giản để xác định các khu vực có rủi ro lũ bùn đá dựa trên bản đồ địa hình, kết hợp với phần mềm Google Earth. Phương pháp được áp dụng cho hai khu vực suối lũ bùn đá tại tỉnh Yên Bái. Kết quả cho thấy vị trí và phạm vi khu vực rủi ro lũ bùn đá - hình rẻ quạt trầm tích trùng khớp với nơi mà nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị phá hủy do lũ bùn đá. Kết quả thu được có thể sử dụng làm cơ sở để xây dựng phương án ứng phó khi lũ bùn đá xảy ra cũng như đề xuất các quy định tương ứng với mức độ rủi ro thiên tai.

Từ khóa: Bản đồ địa hình, Google earth, Lũ bùn đá, Rẻ quạt trầm tích, Rủi ro thiên tai.

37

5

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Google Earth Engine đánh giá sự thay đổi thảm thực vật theo không gian và thời gian ở Bến Tre trong mùa khô giai đoạn 2016-2020

Trần Anh phương1, Trần Mạnh Cường1, phạm Văn Chiến2, Lê Vũ Việt phong3

1Viện Khoa học tài nguyên nước

2Trường Đại học Thuỷ lợi

3Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội

Tóm tắt: Trong thời gian gần đây, công nghệ điện toán đám mây cho phép người dùng triết xuất, xử lý, lưu trữ dữ liệu viễn thám trên đám mây đã góp phần làm giảm đáng kể tài nguyên máy tính cũng như thời gian tính toán và xử lý dữ liệu. Nghiên cứu này ứng dụng công cụ điện toán đám mây Google Earth Engine để đánh giá sự thay đổi thảm thực vật theo không gian và thời gian, đặc biệt trong các thời kỳ hạn hán trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong mùa khô giai đoạn 2016-2020 sử dụng chỉ số khác biệt thực vật (NDVI) tính toán từ ảnh vệ tinh Sentinel và Landsat. Kết quả tính toán cho thấy chỉ số NDVI tính từ ảnh Sentinel và Landsat có độ tin cậy tương đối cao và có mối quan hệ chặt chẽ với các thời kỳ khô hạn. NDVI thấp hơn ở các tháng cuối mùa khô của các năm hạn hán (2016 và 2020). Theo không gian, trong khi chỉ số NDVI ở vùng trồng lúa giảm đi rõ rệt trong những năm hạn thì ở vùng trồng dừa chỉ số này không thay đổi đáng kể trong những năm hạn. Kết quả của nghiên cứu này có thể được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất nông nghiệp ở Bến Tre.

Từ khóa: Thảm thực vật, Google Earth Engine, Viễn thám, Hạn hán

47

6

Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội

phạm Thị Tố Oanh1

1Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Tóm tắt: Huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội với lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 88 tấn/ngày. Lượng CTRSH được thu gom chiếm 90%. Hệ số phát sinh CTRSH trên đầu người trung bình là 0,58 kg/người/ngày. Thành phần hữu cơ chiếm 50% - 54%. Các thành phần còn lại chiếm tỷ lệ nhỏ (như nilon, nhựa là 11,5% - 14,5%). Kết quả điều tra cho thấy, 90% người dân đánh giá thời gian và tần suất thu gom hợp lý, công tác thu gom đạt hiệu quả, đảm bảo mỹ quan đô thị. Chất thải rắn hiện nay chưa được phân loại rác tại nguồn và sau thu gom được chuyển đến nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình để xử lý bằng phương pháp đốt. Tuy nhiên công tác quản lý CTRSH còn hạn chế trong hệ thống quy định, thông tin, tuyên truyền, chưa có định hướng phù hợp xu hướng gia tăng lượng thải, hạn chế trong quản lý khu vực tập kết và xử lý chất thải... Các giải pháp về chính sách; nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường như tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức; công nghệ, vị trí tập kết và trạm trung chuyển, xử lý chất thải theo công nghệ tiên tiến đã được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện. Nghiên cứu này đánh giá hiện trạng và giải pháp quản lý ở quy mô cấp huyện sẽ góp phần là bài học tốt có ý nghĩa để quản lý CTRSH quy mô lớn hơn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Từ khóa: Chất thải rắn sinh hoạt, Hiện trạng, Giải pháp, Quản lý, Xử lý

56

7

Thống kê đánh giá diễn biến dông tại Mộc Hóa, Mỹ Tho và sử dụng hàm phân lớp để dự báo, cảnh báo dông

Lê Đình Quyết1, Lê Ngọc Quyền1, Trần Thị Thu Uyên2

1Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ

2Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Nghiên cứu thống kê đánh giá diễn biến dông có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở cho công tác dự báo, cảnh báo chỉ ra thời gian dông xảy ra trong ngày. Nghiên cứu này tập trung phân tích đánh giá dựa trên dữ liệu hai trạm Mộc Hóa, Long An và Mỹ Tho, Tiền Giang với chuỗi số liệu từ 2007-2018. Hàm phân lớp được áp dụng để đánh giá phục vụ cho dự báo. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra dông tập trung nhiều nhất vào thời điểm từ 13 đến 19 giờ, tần suất xảy ra khung giờ này tại Mộc Hóa, Long An là 57,55% Mỹ Tho, Tiền Giang là 56,19%, thời gian xảy ra trong năm thường tập trung nhiều vào tháng 5, tháng 6 và tháng 10. Việc áp dụng các chỉ số CAPE, SI, LI, KI như là công cụ hỗ trợ đánh giá khẳ năng dông có thể xảy ra. Như vậy, những kết quả này có ý nghĩa nhất định trong việc xác định dông khu vực Nam Bộ đặc biệt là khu vực 2 trạm nghiên cứu.

Từ khóa: Dông, Nam Bộ, hàm phân lớp (phân biệt), dự báo cảnh báo dông

67

8

Bản tin dự báo tình hình Khí tượng, Thủy văn, Khí tượng Nông nghiệp tháng 4 năm 2020

75

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất