Mục lục Tạp chí Khí tượng Thủy văn Tháng 10 năm 2013

Đăng ngày: 01-10-2013 File đính kèm
Số 634 * Tháng 10 năm 2013

STT

Tên bài

Trang

1

NGHIÊN CỨU TÁC ĐỘNG CỦA CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN CHÍNH TỚI DÒNG CHẢY HẠ DU SÔNG HƯƠNG

Nguyễn Đính - Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển bền vững tại Tp. Huế

Trong những năm gần đây trên lưu vực sông Hương đã và đang được xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện lớn như đập ngăn mặn Thảo Long, các hồ chứa thủy điện Bình Điền, Hương Điền và hồ chứa thủy lợi Tả Trạch mang lại những lợi ích kinh tế và điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, những công trình này cũng gây ra những tác động đến môi trường, điều kiện tự nhiên trên lưu vực, trong đó đặc biệt quan tâm là những thay đổi dòng chảy ở khu vực hạ lưu các hồ chứa. Bằng cách tiếp cận hệ thống và phương pháp mô hình toán, các kết quả trong nghiên cứu này cho thấy những tác động định lượng đến dòng chảy ở hạ lưu của các công trình làm cơ sở cho những định hướng khai thác tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực.

1

2

CƠ SỞ LÝ LUẬN KHOA HỌC VÀ TIÊU CHÍ ĐỀ XUẤT LƯỚI TRẠM KHÍ TƯỢNG GIÁM SÁT BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

PGS.TS Nguyễn Viết Lành, CN. Đinh Xuân Trường - Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Khí tượng Thủy văn và Môi trường

Bằng việc sử dụng phương pháp hàm cấu trúc, đồng thời dựa trên cơ sở chuỗi số liệu nhiệt độ trung bình ngày và lượng mưa ngày của 120 trạm khí tượng trên lãnh thổ Việt Nam, bài báo đưa ra kết quả nghiên cứu bước đầu về cơ sở lí luận khoa học và tiêu chí để xây dựng mạng lưới khí tượng giám sát biến đổi khí hậu (BĐKH), phục vụ cho công tác theo dõi, giám sát hiện trạng, xu hướng biến động của khí hậu Việt Nam.

7

3

NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT CÁCH TIẾP CẬN XÂY DỰNG HỆ THỐNG DỰ BÁO TỔ HỢP HẠN VỪA CHO KHU VỰC VIỆT NAM

ThS. Dư Đức Tiến, ThS. Võ Văn Hòa, CN. Mai Văn Định, CN. Nguyễn Mạnh Linh, CN. Trần Anh Đức, CN. Mai Khánh Hưng, CN. Nguyễn Thanh Tùng - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Bài báo trình bày phương pháp luận trong việc xây dựng hệ thống dự báo tổ hợp hạn vừa cho khu vực Việt Nam. Hệ thống dự báo tổ hợp hạn vừa sẽ gồm hai hệ thống tương ứng với hai hạn dự báo là 3-5 ngày và 5-10 ngày. Hệ thống hướng tới hạn dự báo 3-5 ngày được xây dựng dựa trên mô hình khu vực giới hạn HRM và điều kiện biên điều khiển từ 21 thành phần dự báo của hệ thống tổ hợp toàn cầu GEFS của NCEP (Mỹ), gọi tắt là hệ thống LEPS. Hệ thống hướng tới hạn dự báo 5-10 ngày dựa trên việc tổ hợp các sản phẩm từ hệ thống tổ hợp toàn cầu GEFS (21 thành phần) và hệ thống tổ hợp toàn cầu Var_EPS (21 thành phần) của ECMWF (Châu Âu), gọi tắt là hệ thống NAEFS. Hệ thống đã được xây dựng và đưa vào khai thác trong nghiệp vụ dự báo hạn vừa tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông qua hệ thống thu thập và xử lý số liệu KTTV (MHDARS).

14

4

XÂM NHẬP MẶN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ĐỂ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU

ThS. Châu Trần Vĩnh - Cục Quản lý tài nguyên nước

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu sự tác động của hai khối nước lớn là nước sông Mê Công và thủy triều của biển; do đó chế độ thủy văn của khu vực phức tạp, chịu ảnh hưởng đồng thời của dòng chảy thượng lưu sông Mê Công và thủy triều biển Đông và biển Tây. Trong mùa cạn, khi nước từ thượng nguồn về thấp, thủy triều xuất hiện mang nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất và đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), mực nước biển có thể dâng cao dẫn đến nguy cơ một phần lớn đồng bằng sẽ bị ngập lụt và nhiễm mặn.

Bài báo này  trình bày tóm tắt kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ “Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn trong điều kiện BĐKH ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”  do Cục Quản lý tài nguyên nước thực hiện.

21

5

NGHIÊN CỨU NHẬN DẠNG NGẬP LỤT TỪ VIỆC GIẢI ĐOÁN ẢNH VIỄN THÁM, ÁP DỤNG THỬ NGHIỆM CHO VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI

TS. Nguyễn Kiên Dũng, CN. Đinh Xuân Trường - Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Khí tượng thủy văn và Môi trường

Viễn thám được ứng dụng trong nhiều ngành khoa học khác nhau như quân sự, địa chất, địa lý, môi trường, khí tượng - thuỷ văn, thuỷ lợi, lâm nghiệp và nhiều ngành khoa học khác. Qua các giai đoạn phát triển từ 1858 đến nay, hệ thống ảnh viễn thám đã có nhiều bước ngoặt và có nhiều loại ảnh khác nhau. Có thể kể đến các loại ảnh cơ bản như: Landsat, LIDAR, VHARR, ASTER, SPOT, RADASAT, ảnh hàng không…

Bài báo là kết quả nghiên cứu bước đầu về ứng dụng công nghệ viễn thám trong việc giải đoán ảnh Landsat để nhận dạng ngập lụt, phục vụ cho công tác hiệu chỉnh bản đồ ngập lụt, làm tăng độ chính xác của bản đồ ngập lụt, góp phần nâng cao chất lượng dự báo và cảnh báo sớm ngập lụt cho vùng Đồng Tháp Mười.  

25

6

NGHIÊN CỨU CÁC ĐẶC TRƯNG THỦY - THẠCH ĐỘNG LỰC TRONG MÙA GIÓ ĐÔNG BẮC TẠI VÙNG BIỂN CÔ TÔ BẰNG MÔ HÌNH MIKE 21/3 FM COUPLE

Vũ Hải Đăng,  Nguyễn Hồng Lân, Nguyễn Ngọc Tiến, Đỗ Ngọc Thực - Viện Địa chất và Địa vật lý biển

Nguyễn Thanh Trang - Trung tâm Hải Văn

Trong bài báo này, trường dòng chảy, sóng và vận chuyển trầm tích trong thời kỳ mùa gió đông bắc tại vùng biển Cô Tô được tính toán mô phỏng bằng mô hình MIKE 21/3 FM COUPLE của Viện Thủy lực Đan Mạch (DHI). Mô hình đã được tính toán kiểm nghiệm và hiệu chỉnh với số liệu khảo sát thực địa để xác định được được bộ tham số nhớt và ma sát đáy cho kết quả tính toán sát với thực tế nhất. Mô hình sau đây đã áp dụng vào tính toán cho vùng biển Cô Tô trong mùa gió mùa thịnh hành, gió đông bắc. Ảnh hưởng của dòng chảy (bao gồm dòng gió và dòng triều), sóng tới quá trình vận chuyển trầm tích được xem xét đồng thời để có được những kết quả thể hiện sự tương tác qua lại giữa sự thay đổi địa hình đáy và trường động lực. Những kết quả của nghiên cứu này sẽ là cơ sở quan trọng cho việc thành lập các bản đồ thủy thạch động lực và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng biển Cô Tô.

28

7

ĐÁNH GIÁ HỒI CỐ RẠN SAN HÔ VỊNH VÂN PHONG TỈNH KHÁNH HÒA

ThS. Đoàn Văn Phúc - Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh

Hoạt động sản xuất dân sinh, cảng biển cùng với quá trình khai thác thủy hải sản đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của sinh vật biển ảnh hưởng trực tiếp đối với tài nguyên sinh cảnh và gián tiếp đến sức khỏe con người. Từ đó, việc đánh giá hồi cố rủi ro được xem là một trong những công cụ cấp thiết hiện nay áp dụng để giải thích sự suy giảm các đối tượng sinh thái, các vấn đề sức khỏe con người theo mức độ tiếp xúc với các tác nhân gây hại, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, tăng cường công tác quản lý rủi ro do sự ô nhiễm biển. Bài báo này trình bày đánh giá hồi cố rủi ro theo phương pháp của PEMSEA (Chương trình Hợp tác Khu vực trong Quản lý Môi trường các biển Đông Á) đã chỉ ra bằng chứng suy giảm các rạn san hô, nguyên nhân gây suy giảm, lấy rạn san hô ở Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa làm ví dụ nghiên cứu.

34

8

DỰ BÁO MỰC NƯỚC BIỂN DÂNG ĐẢO PHÚ QUỐC

Lê Hoài Nam  -  Tổng Cục Môi Trường

Hà Quang Hải - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Phạm Mạnh Tài - Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Việt Bách Khoa

Kết quả nghiên cứu sự thay đổi mực nước biển (MNB) Phú Quốc đã cho thấy, trong thời kỳ 1979-2010 MNB Phú Quốc dâng lên với gia tốc trung bình 2,44 mm/năm, mà nguyên nhân là do biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng tác động đến khí hậu của nước ta. Mực nước biển dâng (MNBD) sẽ gây ra tác động khác nhau đến quá trình xói lở, bồi tụ bờ biển Phú Quốc, đồng thời tạo ra nguy cơ ngập lụt khu vực đới ven bờ của Đảo. Vì vậy, để phục vụ mục tiêu nghiên cứu về xói lở, bồi tụ bờ biển và ngập lụt cho đảo Phú Quốc trong tương lai, tác giả đã tiến hành dự báo MNBD ở Phú Quốc cho thời kỳ dài hạn đến năm 2100 trên cơ sở xây dựng kịch bản trung bình dự báo MNBD cho vùng biển đảo Phú Quốc. Kết quả dự báo MNBD đảo Phú Quốc ở sai số quân phương < 6% cho thấy, so với năm 2000 thì MNB trung bình năm của đảo Phú Quốc sẽ tăng lên +20,06 cm đến năm 2050 và +43,66 cm đến năm 2100, tạo nên nguy cơ xói lở, bồi tụ và ngập lụt khá nghiêm trọng cho đặc khu kinh tế quan trọng này và đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, kết quả dự báo cần tiếp tục được cập nhật theo từng giai đoạn 5-10 năm, căn cứ vào diễn biến thực tế của biến đổi khí hậu ở nước ta nói chung và tại khu vực Phú Quốc nói riêng. 

44

9

Tóm tắt tình hình khí tượng, khí tượng nông nghiệp, thủy văn tháng 9 năm 2013

Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương (Trung tâm KTTV Quốc gia) Trung tâm Nghiên cứu KTNN (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường)

49

10

Thông báo kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số tỉnh, thành phố tháng 9 - 2013 (Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn và Môi trường)

60

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất