Mục lục Tạp chí Khí tượng Thủy văn Tháng 11 năm 2013

Đăng ngày: 01-11-2013 File đính kèm
Số 635 * Tháng 11 năm 2013

STT

Tên bài

Trang

1

MƯA LỚN TRÊN KHU VỰC TỈNH KHÁNH HÒA - NGUYÊN NHÂN VÀ TẦN SUẤT XUẤT HIỆN

Nguyễn Khanh Vân, Tống Phúc Tuấn - Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 Đỗ Lệ Thủy, Trần Anh Đức - Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn TW

Trong thời gian hai mươi nhăm năm (từ 1986 -2010) nhiều đợt mưa lớn diện rộng đã xảy ra trên khu vực Trung Bộ nói chung và nam Trung Bộ nói riêng, trong đó có tỉnh Khánh Hòa, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông, nông nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

Với mục tiêu tìm hiểu nguyên nhân, quy luật xuất hiện của mưa lớn, quan hệ giữa mưa lớn và địa hình tại khu vực này, chúng tôi đã phân tích và thống kê các hình thế thời tiết (HTTT) và tổ hợp của chúng gây ra các  đợt mưa lớn và rất lớn sinh lũ lụt ở khu vực Khánh Hòa trên cơ sở phân tích khái quát cấu trúc địa hình lãnh thổ, các số liệu mưa quan trắc tại khu vực nghiên cứu và số liệu tái phân tích JRA25 của Cơ quan khí tượng Nhật Bản giai đoạn 1986 -2010.

1

2

NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG MẠNG LƯỚI TRẠM THỦY VĂN PHỤC VỤ DỰ BÁO, CẢNH BÁO THIÊN TAI Ở BẮC BỘ TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

TS. Đặng Ngọc Tĩnh - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

KS. Quách Thị Thanh Tuyết - Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Bồi dưỡng nghiệp vụ KTTV và MT

Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) trong những năm gần đây cùng với những hạn chế về chất lượng và số lượng mạng lưới trạm thủy văn hiện tại, việc nghiên cứu đề xuất điều chỉnh và bổ sung mạng lưới quan trắc thủy văn góp phần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai trong bối cảnh BĐKH nhằm giảm thiểu những tác động của BĐKH cho đời sống, xã hội và con người là vô cùng cần thiết.

9

3

ỨNG DỤNG GIS ĐÁNH GIÁ NGẬP LỤT VÀ THIỆT HẠI CHO NÔNG NGHIỆP DO TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NƯỚC BIỂN DÂNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

Ngô Quang Hiếu, Nguyễn Hồng Quân - Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ 21. BĐKH sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và môi trường ở quy mô toàn cầu. Một trong những hậu quả của BĐKH là mực nước biển dâng cao, gián tiếp làm giảm diện tích đất nông nghiệp. Long An là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long –vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH. Phần lớn diện tích Long An nằm trong vùng Đồng Tháp Mười khu vực chịu nhiều thiệt hại của lũ lụt hàng năm với thời gian ngập lụt từ 3 – 5 tháng. Bài báo trình bày khả năng áp dụng GIS (ArcGIS 10.0) và các công cụ hỗ trợ khác để xây dựng bản đồ ngập lụt, dự báo diện tích đất lúa nước có nguy cơ bị ngập, tính toán thiệt hại và những lợi ích mang lại do ngập lụt cho cây lúa nước trên địa bàn tỉnh Long An. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, lũ lụt không chỉ gây ra những thiệt hại không thôi mà còn mang lại những lợi ích nhất định. Nếu chúng ta biết cách khai thác những lợi ích này để tiến đến thích nghi hơn là đối phó với lũ trong điều kiện nước biển dâng cao sẽ làm cho tình trạng ngập lụt ngày càng phức tạp hơn.

15

4

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT MẠNG LƯỚI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN PHỤC VỤ DỰ BÁO THIÊN TAI LŨ, LỤT CHO KHU VỰC TRUNG BỘ, TÂY NGUYÊN VÀ NAM BỘ TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

TS. Nguyễn Kiên Dũng - Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Bồi dưỡng nghiệp vụ KTTV&MT

KS. Bùi Đức Long và CTV - Trung tâm Dự báo KTTVTƯ

Các trạm thủy văn ở vùng Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ còn thưa và thường được bố trí dọc đường quốc lộ, ven biển. Phần lớn các trạm tự động đều đặt bên cạnh các trạm khí tượng thủy văn nên chưa phát huy hết tính ưu việt trong phục vụ cho công tác dự báo. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay việc nghiên cứu đề xuất điều chỉnh và bổ sung mạng lưới quan trắc thủy văn góp phần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai lũ, lụt là rất quan trọng và cấp thiết.

24

5

XU THẾ THAY ĐỔI CỦA CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN XÂM NHẬP MẶN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

KS. Ngô Mạnh Hà, Nguyễn Văn Nghĩa - Cục Quản lý Tài nguyên nước

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, khu vực và ở Việt Nam do các hoạt động của con người làm phát thải quá mức khí nhà kính vào bầu khí quyển. BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Vấn đề BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như lương thực, nước, năng lượng, các vấn đề về an toàn xã hội, văn hóa, ngoại giao và thương mại.

BĐKH là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình hoặc dao động của khí hậu duy trì trong 1 khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn. BĐKH có thể là do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài hoặc do hoạt động của con người làm thay đổi các yếu tố có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nắm được xu thế thay đổi của các yếu tố ảnh hưởng đến xâm nhập mặn sẽ làm căn cứ đánh giá những ảnh hưởng có thể có của các yếu tố đến xâm nhập mặn ở ĐBSCL và giúp các cơ quan quản lý đề ra các biện pháp giảm thiểu các tác động bất lợi.

31

6

SỰ BIẾN ĐỔI CƯỜNG ĐỘ VÀ VỊ TRÍ CỦA ÁP CAO THÁI BÌNH DƯƠNG

ThS. Chu Thị Thu Hường - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Sự biến đổi cường độ và vị trí của áp cao Thái Bình Dương (ACTBD) trong thời kì 1961-2010 đã được phân tích dựa trên nguồn số liệu tái phân tích của trường độ cao địa thế vị (HGT) trung bình tháng trên toàn cầu tại các mực khí áp chuẩn. Kết quả phân tích cho thấy, cường độ vùng trung tâm của ACTBD biến đổi không nhiều trong các tháng mùa hè nhưng lại tăng mạnh trong các tháng mùa đông, đặc biệt là tháng 12. Hơn nữa, cường độ tại rìa phía tây của nó lại có xu thế tăng lên ở tất cả các tháng (trừ tháng 4) với tốc độ tăng mạnh hơn ở vùng trung tâm. Trong tháng 4, cường độ ở cả vùng trung tâm lẫn vùng rìa phía tây của áp cao này đều giảm, mặc dù giảm không nhiều. Bên cạnh đó, trên các mực 850, 700 và 500mb, áp cao này có xu hướng thu hẹp hơn trong mùa đông và mở rộng hơn trong mùa hè. Ngoài ra, vị trí của ACTBD trên mực 500mb trong tất cả các tháng đều có xu hướng mở rộng sang phía tây qua các thời kì, đặc biệt trong hai thời kì cuối. Trên mực 700 và 850mb, vị trí của ACTBD biến đổi qua các thập kỉ không nhiều, song trong tháng 4, trên mực 850 mb, cường độ của áp cao này lại có xu hướng giảm.

35

7

ĐẶC ĐIỂM HẠN HÁN VÙNG NAM TRUNG BỘ THỜI KỲ 1961-2010

ThS. Trương Đức Trí - Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

TS. Hoàng Đức Cường - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Hạn hán là loại hình thiên tai phổ biến, diễn ra từ từ và có tính chất thường xuyên, có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, đến môi sinh, môi trường và là một trong những nguyên nhân gây đói nghèo. Khu vực Nam Trung Bộ của Việt Nam là một trong số những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi hạn hán [5]. Để hiểu rõ tính chất hạn hán khu vực Nam Trung Bộ, nghiên cứu này lựa chọn chuỗi số liệu thời kỳ 1961-2010 để tính toán nhằm đánh giá được các diến biến đặc trưng hạn khu vực Nam Trung Bộ như tần suất, thời gian hạn, mức độ hạn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ khô hạn hoặc rất khô trong các tháng mùa khô, ở mức ẩm trong các tháng mùa mưa. Tần suất hạn phổ biến ở mức cao đến đặc biệt cao hoặc đạt 100%. Thời gian trung bình trong một mùa hạn tương đương ở mức mùa hạn dài đến rất dài. Thông thường tình trạng hạn hán bắt đầu diễn ra từ tháng 12, cao điểm hạn vào các tháng 1, 2, 3. Hạn có xu thế giảm khoảng 1 tháng trong toàn bộ thời kỳ. Hạn hán tại Nam Trung Bộ tăng dần theo chiều từ bắc vào nam kể cả về mức độ, thời gian và phạm vi không gian.

43

8

ĐÁNH GIÁ RỦI RO TÀI NGUYÊN HẢI SẢN VỊNH VÂN PHONG TỪ CÁCH TIẾP CẬN HỒI CỐ

ThS. Đoàn Văn Phúc - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh

Hiện trạng nuôi trồng thủy sản trong những năm gần đây có nhiều biến động về diện tích, cách thức nuôi trồng và suy giảm rõ rệt về chất lượng, năng suất thủy sản, nguyên nhân chủ yếu do hạn chế từ nguồn giống, thức ăn và ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh góp phần làm suy giảm chất lượng môi trường, suy thoái hệ sinh thái đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đối với tài nguyên sinh cảnh và gián tiếp đến sức khỏe con người. Nhận thấy được tầm quan trọng này, phương pháp đánh giá hồi cố rủi ro được sử dụng như là một công cụ cấp thiết hiện nay để giải thích sự suy giảm thủy sản nuôi trồng, xác định các tác nhân gây hại. Từ đó, có những biện pháp khắc phục, nâng cao năng suất thủy sản, tăng cường công tác quản lý rủi ro giảm sự ô nhiễm biển. Bài báo này trình bày đánh giá hồi cố rủi ro theo phương pháp của PEMSEA (Chương trình Hợp tác Khu vực trong Quản lý Môi trường các biển Đông Á) đã chỉ ra bằng chứng suy giảm thủy sản nuôi trồng, nguyên nhân gây suy giảm, lấy hoạt động nuôi trồng thủy sản Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa làm ví dụ nghiên cứu.

48

9

Tóm tắt tình hình khí tượng, khí tượng nông nghiệp, thủy văn tháng 10 năm 2013

Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương (Trung tâm KTTV Quốc gia) Trung tâm Nghiên cứu KTNN (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường)

57

10

Thông báo kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số tỉnh, thành phố tháng 10 - 2013 (Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn và Môi trường)

67

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất