Mục lục Tạp chí Khí tượng Thủy văn Tháng 8 năm 2014

Đăng ngày: 01-08-2014 File đính kèm
Số 644 * Tháng 8 năm 2014

STT

Tên bài

Trang

1

Sự thiếu hụt lượng mưa tháng 5 ở Tây Nguyên khi có El nino và vai trò của vận tải ẩm

ThS. Vũ Văn Thăng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng, TS. Nguyễn Văn Hiệp và Đỗ Thị Nương

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

GS. TS. Nguyễn Trọng Hiệu - Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường

TS. Hoàng Đức Cường- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Trong bài báo này, các yếu tố hoàn lưu vận tải ẩm, gió ở mực 10m và 850hPa, khí áp mực biển được tính trên cơ sở số liệu tái phân tích độ phân giải 0,5x0,5 độ kinh vĩ và 2,5x2,5 độ kinh vĩ của NCEP/NCAR thời kì 1980-2007, sự hụt mưa ở Tây Nguyên trong tháng 5 được phân tích qua số liệu của 12 trạm và số liệu tái phân tích Aphrodite với độ phân giải 0,250x0,250. Kết quả cho thấy, El Nino gây hụt mưa tháng 5 ở Tây Nguyên trung bình 16,7%. Sự hụt mưa trong điều kiện El Nino là do hoàn lưu gió mùa tây nam trên vịnh Bengal yếu hơn trung bình nhiều năm dẫn đến hình thành một hoàn lưu xoáy thuận trên vịnh Bengal. Hoàn lưu xoáy thuận này làm giảm lượng ẩm từ phía Ấn Độ Dương qua vịnh Bengal đến khu vực Tây Nguyên.

1

2

Dự tính hạn hán ở khu vực Nam Trung Bộ bằng mô hình Precis

ThS. Trương Đức Trí - Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

TS. Mai Văn Khiêm, ThS. Nguyễn Đăng Mậu, CN. Hà Trường Minh và CN. Đào Thị Thúy - Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu

Hạn hán là một hiện tượng thời tiết nguy hiểm đối với mọi hoạt động đời sống cũng như sự sinh trưởng và phát triển của thực vật trên hành tinh chúng ta. Ở Việt Nam, khu vực Nam Trung Bộ là một trong những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Bài báo này khảo sát đặc điểm hạn hán trong tương lai theo các quy mô thời gian khác nhau, 1, 3, 6 và 12 tháng dựa trên kết quả dự tính khí hậu của mô hình PRECIS. Kết quả này có thể hỗ trợ các bô, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

5

3

Đánh giá vai trò ban đầu hóa xoáy trong mô hình HWRF đối với dự báo bão trên biển Đông

ThS. Nguyễn Thị Hoan, PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng và TS. Nguyễn Văn Hiệp - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

TS. Hoàng Đức Cường - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Bài báo ứng dụng ban đầu hóa xoáy trong mô hình HWRF trong dự báo bão trên Biển Đông, từ đó đánh giá vai trò của ban đầu hóa xoáy trong mô hình này đối với khả năng dự báo bão trên Biển Đông dựa trên cơ sở của việc mô phỏng 53 trường hợp chạy dự báo thuộc 7 cơn bão trên Biển Đông mùa bão 2009. Sử dụng số liệu đầu vào từ mô hình GFS độ phân giải 1 độ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng sơ đồ ban đầu hóa xoáy đã cho những cải thiện rõ rệt dự báo quỹ đạo bão thời hạn 72 giờ cũng như cường độ bão với thời hạn 54 giờ.

9

4

Xây dựng bản đồ nhiệt độ trên lãnh thổ Việt Nam

TS. Mai Văn Khiêm, ThS. Nguyễn Đăng Mậu, CN. Đào Thị Thúy và CN. Lê Duy Điệp - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

GS. TSKH. Nguyễn Đức Ngữ - Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường

Trên cơ sở số liệu quan trắc được cập nhật đến năm 2010 và kế thừa  phương pháp xây dựng bản đồ nhiệt độ trung bình đã được thực hiện, bài báo trình bày kết quả xây dựng các bản đồ phân bố nhiệt độ trung bình trên lãnh thổ Việt Nam. Kết quả cho thấy, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là tháng 1, tăng dần lên trong tháng 4, cao nhất trong tháng 7 và giảm dần đến tháng 10.

13

5

Nghiên cứu xây dựng khung bộ chỉ số về khả năng chống chịu của môi trường tự nhiên với biến đổi khí hậu cho tám phân khu sinh thái tại Việt Nam

PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, TS. Đỗ Tiến Anh và ThS. Đào Minh Trang - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

ThS. Phạm Ngọc Anh- Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bài báo giới thiệu về bộ chỉ số về khả năng chống chịu của môi trường tự nhiên với biến đổi khí hậu (BĐKH) được xây dựng cho tám phân khu sinh thái tại Việt Nam. Bộ chỉ số bao gồm bốn chỉ số chính: (i) đa dạng của môi trường; (ii) áp lực của con người đến môi trường; (iii) độ linh hoạt của môi trường; và (iv) môi trường đó có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái.

16

6

Một số phương pháp xác định chỉ số căng thẳng tài nguyên nước và bước đầu áp dụng cho vùng Nam Trung Bộ

ThS. Phùng Thị Thu Trang, PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Nguyễn Văn Đại và Nguyễn Hoàng Thủy -Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Bài báo trình bày một số phương pháp tính toán chỉ số căng thẳng tài nguyên nước như chỉ số Falkenmark, chỉ số căng thẳng nước WSI, chỉ số khan hiếm nước Rws,… từ đó nghiên cứu, áp dụng bộ chỉ số thích hợp cho điều kiện của Việt Nam. Bái báo cũng trình bày những kết quả tính toán ban đầu về bộ chỉ số căng thẳng nước cho lĩnh vực nông nghiệp ở vùng Nam Trung Bộ, bao gồm hệ số sức ép nguồn nước DPs – đại diện cho tỉ lệ tiêu thụ so với tổng lượng tài nguyên nước trên toàn lãnh thổ  và chỉ số vể sử dụng nước cho giai đoạn hiện tại 2010. Kết quả cho thấy bộ chỉ số có khả năng áp dụng tại Việt Nam, phục vụ cho công tác quản lí tài nguyên nước.

20

7

Áp dụng mô hình RSM trong dự báo khí hậu ở Việt Nam

CN. Lưu Nhật Linh, ThS. Vũ Văn Thăng, TS. Mai Văn Khiêm và ThS. Nguyễn Đăng Mậu - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Bài báo trình bày sự đánh giá, so sánh kết quả dự báo nhiệt độ trung bình và tổng lượng mưa tháng 6/2014 (hạn dự báo 3 tháng) bằng mô hình RSM với số liệu đầu vào là sản phẩm dự báo của mô hình CFS và số liệu quan trắc, đồng thời đưa ra kết quả thử nghiệm dự báo khí hậu (nhiệt độ và lượng mưa với hạn dự báo 6 tháng) cho các tháng 8, 9,10, 11, 12/2014 và tháng 1/2015) trên khu vực Việt Nam. Kết quả cho thấy, mô hình RSM đã phần nào nắm bắt được sự phân bố nhiệt độ và lượng mưa tháng 6/2014. Tuy nhiên, kết quả dự báo nhiệt độ trung bình thấp hơn số liệu quan trắc từ 1-20C và mô hình chưa nắm bắt tốt chế độ mưa. Kết quả dự báo từ mô hình RSM đã phản ánh được xu thế diễn biến khí hậu các tháng cuối năm 2014 cả về không gian và thời gian.

23

8

Phương pháp đơn giản ước tính phân bố cát bùn bồi lắng các hồ chứa ở Việt Nam

TS. Nguyễn Kiên Dũng - Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Bồi dưỡng nghiệp vụ khí tượng thủy văn và môi trường

Có nhiều phương pháp ước tính phân bố bùn cát bồi lắng trong các hồ chứa theo không gian và thời gian. Tuy nhiên áp dụng phương pháp nào trong thực tế còn phụ thuộc vào tình hình số liệu sẵn có.  Bài báo này giới thiệu các phương pháp đơn giản ước tính phân bố bùn cát bồi lắng trong các hồ chứa theo không gian và thời gian, thử áp dụng tính cho hồ chứa Hòa Bình, trên sông Đà để độc giả tham khảo.

28

9

Sử dụng mưa dự báo số trị phân giải cao để nâng cao chất lượng dự báo bão lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên

ThS. Nguyễn Văn Hiếu, TS. Bùi Minh Tăng, KS. Bùi Đức Long, Ths. Vũ Đức Long - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

Bài báo giới thiệu kết quả ứng dụng các sản phẩm mưa dự báo của mô hình WRFARW vào dự báo báo lũ cho các sông ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Một số thử nghiệm được thực hiện trên các mô hình thủy văn, thủy lực đang được sử dụng tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) Trung ương nhằm đánh giá khả năng ứng dụng các sản phẩm dự báo mưa số trị. Các kết quả thử nghiệm bước đầu cho thấy việc đưa các sản phẩm dự báo mưa số trị phục vụ dự báo thủy văn đã góp phần nâng cao chất lượng dự báo lũ cho ở miền Trung và Tây Nguyên.

32

10

Nghiên cứu vận hành tối ưu hồ chứa Cửa Đạt cho cấp nước mùa kiệt sử dụng thuật toán FUZZY LOGIC

TS. Nguyễn Mai Đăng - Trường Đại học Thủy lợi

KS. Trịnh Xuân Mạnh - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Nhiệm vụ cấp nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là những hồ chứa đa mục tiêu về mùa khô thường gặp khó khăn do nhu cầu nước ngày càng tăng theo sự phát triển kinh tế và xã hội, trong khi dòng chảy đến hồ lại có hạn. Do vậy tính toán điều tiết cấp nước tối ưu của hồ chứa cho các nhu cầu dùng nước trong mùa kiệt ngày càng cấp thiết. Bài báo này trình bày kết quả bước đầu việc ứng dụng thuật toán tối ưu Fuzzy Logic cho vận hành cấp nước mùa kiệt năm 2011-2012 của hồ chứa Cửa Đạt trên lưu vực sông Chu thuộc tỉnh Thanh Hoá. Đây là hồ chứa đa mục tiêu với các nhiệm vụ: phòng lũ, cấp nước, phát điện, đảm bảo dòng chảy môi trường. Nghiên cứu đã sử dụng thuật toán Fuzzy Logic dựa trên các quy luật, nguyên lí “if – then” và xây dựng các hàm liên thuộc (Membership Function) cho các biến đầu vào: mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, nhu cầu sử dụng nước và lưu lượng xả ra khỏi hồ. Đã xây dựng được hệ thống Fuzzy cho vận hành hồ Cửa Đạt và xác định được quá trình xả tối ưu trong điều kiện thiếu nước về mùa khô, nhưng với quy trình xả tối ưu đã tìm ra thì hồ chứa vẫn có thể đáp ứng được 80% nhu cầu nước trong toàn bộ mùa khô 2011-2012. Đây là kết quả bước đầu và đã cho thấy rằng phương pháp này có thể ứng dụng tốt cho các hồ chứa ở Việt Nam trong vận hành và xây dựng quy trình vận hành.

38

11

Phương pháp tính toán bồi lắng cát bùn cho hệ thống hồ chứa bậc thang

TS. Nguyễn Kiên Dũng - Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Bồi dưỡng nghiệp vụ khí tượng thủy văn và môi trường

Hệ thống hồ chứa bậc thang không chỉ đặt ra cho các nhà khoa học và quản lý là phải xây dựng qui trình vận hành liên hồ chứa mà còn cần nghiên cứu phương pháp tính toán bồi lắng phù hợp. Bài báo này giới thiệu cách tính bồi lắng cát bùn cho hệ thống nhiều  hồ chứa, lấy ví dụ tính toán cho 02 hồ chứa Hòa Bình, Sơn La trên sông Đà để độc giả tham khảo.

43

12

Lượng xói mòn đất tại một số rừng trồng phổ biến ở Ba Vì

ThS. Kiều Thị Dương, KS. Đặng Đình Chất và PGS. TS. Phùng Văn Khoa - Trường Đại học Lâm nghiệp

Bài báo này nhằm xác định lượng xói mòn đất dưới tán hai loại rừng trồng phổ biến ở Ba Vì là rừng keo tai tượng và rừng thông mã vĩ. Bằng phương pháp xác định lượng xói mòn trực tiếp từ các bãi đo xói mòn và bằng đo tính từ công thức thực nghiệm tính xói mòn, bài báo đã cho thấy xói mòn dưới rừng keo thấp hơn dưới rừng thông do tỉ lệ che phủ của thảm tươi, cây bụi và thảm khô dưới rừng thông thấp hơn. Từ đó, bái báo đề xuất một số biện pháp thiết thực giảm xói mòn đất ở Ba Vì.

48

13

Quá trình phát triển mạng lưới đo mưa của ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam

ThS. Phạm Văn Dương - Ban Quản lý các dự án khí tượng thủy văn

Độ dày của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn nói chung; mạng lưới trạm/điểm đo mưa nói riêng có vị trí rất quan trọng trong việc cung cấp chuỗi số liệu nhằm nâng cao chất lượng các bản tin dự báo khí tượng thủy văn. Số liệu mưa có biến thiên rất khác biệt, phụ thuộc vào điều kiện địa hình; khoảng cách; thay đổi theo không gian… Trong khi đó mạng lưới đo mưa ở nước ta rất còn thưa, khoảng cách trung bình khoảng 16 x 16 km, so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản khoảng 5 x 5 km; Hồng Kông khoảng 1,5 x 1,5 km… thì mạng lưới trạm/điểm đo mưa của nước ta rất thưa.

53

14

Giới thiệu phần mềm hỗ trợ ra bản tin cảnh báo, dự báo lũ và cảnh báo ngập lụt cho sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị

ThS. Vũ Đức Long, TS. Đặng Thanh Mai ThS. Phùng Tiến Dũng và các cộng tác viên - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Bài báo giới thiệu phần mềm hỗ trợ ra tin cảnh báo, dự báo lũ và cảnh báo ngập lụt cho hệ thống sông Thạch Hãn. Phần mềm được xây dựng dựa trên sự kết hợp các mô hình thủy văn, thủy lực của họ mô hình Mike, mô hình điều tiết hồ chứa với số liệu đầu vào từ 2 nguồn số liệu đo đạc truyền thống, số liệu từ các trạm đo tự động và các sản phẩm mưa dự báo từ các mô hình số trị, các hình thế thời tiết tương tự, mưa dự báo synop. Phần mềm được xây dựng nhằm hỗ trợ các dự báo viên thủy văn trong tác nghiệp dự báo lũ.

56

15

Tóm tắt tình hình khí tượng, khí tượng nông nghiệp và thủy văn tháng 7 năm 2014 (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu)

61

16

Thông báo kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số tỉnh, thành phố tháng 7 năm 2014 (Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường)

72

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất