Mục lục Tạp chí Khí tượng Thủy văn Tháng 9 năm 2014

Đăng ngày: 01-09-2014 File đính kèm
Số 645 * Tháng 9 năm 2014

STT

Tên bài

Trang

1

Nghiên cứu mô hình thủy động lực 1-2 chiều để dự báo xâm nhập mặn hạ lưu sông Mã

ThS. Hoàng Văn Đại – Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu

PGS. TS. Trần Hồng Thái – Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia

Những năm gần đây, hiện tượng xâm nhập mặn ở các khu vực cửa sông ven biển Thanh Hóa đang ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt là các khu vực cửa sông ven biển, gây khó khăn cho hoạt động lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu, áp dụng mô hình thủy động lực 1-2 chiều mô phỏng, dự báo xâm nhập mặn có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm nhập mặn cho vùng hạ lưu sông Mã.  Kết quả đã xây dựng mô hình mô phỏng, dự báo xâm nhập mặn cho vùng hạ lưu sông Mã, đã được hiệu chỉnh, kiểm nghiệm mô hình với chỉ số Nash-Sutcliffe đối với độ mặn đạt từ 0,75 - 0,98.

1

2

Đúc kết kinh nghiệm và tri thức bản địa của cộng đồng người dân miền Trung Việt Nam trong việc phòng, tránh một số loại hình thiên tai

PGS.TS. Lê Văn Thăng, ThS. Nguyễn Đình Huy và ThS. Hoàng Ngọc Tường Vân - Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế

Kinh nghiệm và tri thức bản địa là kết quả của sự chọn lọc, nghiệm suy khi con người tiếp xúc với môi trường xung quanh, từ đó hình thành những phương thức ứng xử thích hợp. Từ đời này sang đời khác, người dân ở miền Trung Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và đúc kết nó thành những tri thức bản địa trong việc phòng tránh và giảm thiểu tác động của các loại hình thiên tai. Những tri thức bản địa về dự đoán trước một số loại thiên tai sẽ xảy ra được khái quát lên thành những câu thành ngữ, ca dao để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

7

3

Thử nghiệm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến ngập lụt khu vực hạ lưu sông Lam

PGS.TS. Nguyễn Thanh Sơn, PGS.TS. Trần Ngọc Anh và ThS. Đặng Đình Khá - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

ThS. Nguyễn Xuân Tiến - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ

CN. Lê Viết Thìn - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Bài báo giới thiệu một số kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến ngập lụt ở khu vực hạ lưu lưu vực sông Lam. Nhằm mô phỏng tình trạng ngập lụt trong khu vực nghiên cứu, mô hình thủy lực kết nối 1-2 chiều Mike Flood đã được xây dựng với các biên dòng chảy là kết quả mô phỏng từ mưa sử dụng mô hình Mike NAM. Hiện trạng ngập lụt trong khu vực hạ lưu đã được tái hiện thông qua tổ hợp các kết quả mô phỏng ngập lụt từ 3 trận lũ lịch sử (1978, 1988, 2010). Trên cơ sở kịch bản phát thải trung bình đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị, sự biến đổi lượng mưa ba tháng lớn nhất trên khu vực Bắc Trung Bộ và mực nước biển dâng tương ứng tại Cửa Hội đã được sử dụng làm kịch bản biên đầu vào cho hệ thống mô hình đã xây dựng tương ứng với các trận mưa điển hình lựa chọn mô phỏng tình hình ngập lụt tại khu vực hạ lưu lưu vực sông Lam. Kết quả tổ hợp bản đồ ngập lụt tương ứng sẽ cung cấp các mô tả về ngập lụt ở khu vực nghiên cứu trong điều kiện BĐKH và trên cơ sở đó so sánh với bản đồ hiện trạng nhằm xác định các tác động của BĐKH đến diện tích ngập lụt, độ sâu ngập lụt và thời gian ngập lụt.

13

4

Tác động của biến đổi khí hậu đến tỉnh An Giang và giải pháp ứng phó

PGS.TS. Nguyễn Đinh Tuấn và ThS. Báo Văn Tuy – Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất thấp ven biển của Việt Nam và được xem là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). BĐKH sẽ làm lưu lượng nước sông Mê Kông giảm từ 2-24% trong mùa khô, tăng từ 7- 15% trong mùa lũ. An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Mê Kông chảy vào Việt Nam, nằm trong khu vực ĐBSCL nên có hệ thống sông, rạch tự nhiên và kênh thuỷ lợi chằng chịt với tổng chiều dài hơn 5.500 km, đủ sức chuyển tải nguồn nước mặt phục vụ sản xuất, sinh hoạt và vận tải thủy. Tác động của BĐKH cũng gây ra nhiều hiện tượng cực đoan như hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn, nước lũ sẽ cao hơn, thời gian ngập lũ sẽ kéo dài hơn, xâm nhập mặn vào sâu hơn. Ngoài ra, việc khai thác nước như hiện nay của các nước trên thượng nguồn cũng làm thay đổi lưu lượng dòng chảy hạ lưu. Với sự thay đổi bất thường của chế độ thủy văn và sự suy giảm nguồn nước, chắc chằn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ tài nguyên môi trường của tỉnh.

21

5

Nghiên cứu đề xuất phương pháp đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học ở Việt Nam

ThS. Trần Phương – Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

TS. Nguyễn Văn Liêm, KS. Ngô Sỹ Giai, ThS. Nguyễn Đăng Mậu và TS. Mai Văn Khiêm – Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Hiện nay, việc đánh giá những tác động có thể có của dao động và biến đổi khí hậu (BĐKH) về mặt nhiệt độ và lượng mưa đối với một khu bảo tồn thường bao gồm ba nội dung: Các mức trung bình quá khứ, vùng quá khứ và trung bình tương lai. Vì các hệ sinh thái và các loài khác nhau tồn tại ở những vùng nhiệt độ và vùng mưa khác nhau, nên phải xem xét "vùng an toàn" của từng khu vực. Bài báo này giới thiệu và đề xuất chỉ số mức độ khắc nghiệt của BĐKH (Climate Change Severity Index - CCSI) trong việc xác định các vùng khí hậu an toàn đối với đa dạng sinh học (ĐDSH).

27

6

Đánh giá tác động của hiện tượng [A1] bão và triều cường đến sinh kế của nhóm người[A2]  nghèo vùng ven biển, hải đảo Bắc Bộ

TS. Lương Thu Hằng – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Bài viết này là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến nhóm người nghèo vùng Bắc Bộ và đề xuất các giải pháp giảm thiểu. Số liệu được sử dụng trong bài viết là một phần kết quả nghiên cứu tại các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa. Các biểu hiện của BĐKH và ảnh hưởng của nó đến sinh kế nhóm cư dân nghèo/cận nghèo ven biển, hải đảo Bắc Bộ qua nghiên cứu một số tỉnh ven biển sẽ được phân tích trong bài viết.

31

7

Đánh giá tình trạng xâm nhập mặn khu vực hạ lưu sông Mã, tỉnh Thanh Hóa

ThS. Lưu Đức Dũng - Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường

ThS. Hoàng Văn Đại – Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

ThS. Nguyễn Khánh Linh – Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Bài báo trình bày một số kết quả quan trắc thực trạng xâm nhập mặn trên các nhánh sông khu vực hạ lưu sông Mã, tỉnh Thanh Hóa. Kết quả quan trắc cho thấy, tình trạng xâm nhập mặn trên các nhành sông thuộc hạ lưu sông Mã trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp với xu thế xâm nhập sâu hơn vào trong đất liền. Đối với độ mặn 10/00, khoảng cách xâm nhập sâu nhất vào trong đất liền 39,5 km trên sông Mã, 26,0 km trên sông Yên.

36

8

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến năng suất và thời gian sinh trưởng của một số cây trồng nông nghiệp ở Đà Nẵng

ThS. Trần Duy Hiền – Vụ Khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường

PGS. TS. Trần Hồng Thái – Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia

Sản xuất nông nghiệp chịu sự chi phối trực tiếp của điều kiện khí hậu, hiệu quả của các biện pháp kỹ thuật canh tác, năng suất và chất lượng nông sản… phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu. Những thiệt hại do yếu tố khí hậu thời tiết, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay, đã gây ra đối với sản xuất nông nghiệp ở Đà Nẵng là vấn đề thực tế, cấp thiết cần nghiên cứu đánh giá tác động và đề ra các biện pháp thích ứng sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Có nhiều phương pháp nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH đến các đối tượng nông nghiệp cụ thể (lúa, ngô, lạc...) trong đó có phương pháp mô hình mô phỏng. Mô hình DSSAT đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới và Việt Nam với các nghiên cứu ứng dụng trong đánh giá năng suất các cây trồng. Đặc biệt trong bối cảnh BĐKH, mô hình này có thể sử dụng trong việc mô phỏng đánh giá tác động của sự thay đổi điều kiện khí hậu đến sinh trưởng, phát triển và hình thành năng suất một số cây trồng nông nghiệp trong đó có cây lúa và cây ngô. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất lúa vụ hè – thu trung bình trong giai đoạn từ 2020 đến 2100 giảm khoảng 4,9% so với năng suất lúa vụ hè – thu năm 2012, ngược lại trong vụ đông – xuân tăng khoảng 3,1%. Năng suất ngô tính trung bình từ 2020 – 2100 giảm khoảng 0,6% so với năng suất ngô năm 2012.

41

9

Liên quan giữa vector[A3]  truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, sốt rét với biến đổi khí hậu tại tỉnh Kiên Giang

ThS. Nguyễn Văn Chuyên, PGS.TS. Vũ Xuân Nghĩa và PGS. TS. Nguyễn Tùng Linh - Học viện Quân y

TS. Hoàng Cao Sạ - Bệnh viện đa khoa thành phố Nam Định

Kết quả phân tích mối liên quan giữa vector truyền bệnh sốt xuất huyết dengue (SXHD) và sốt rét với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại tỉnh Kiên Giang cho thấy: sự biến đổi về lượng mưa và nhiệt độ theo mùa là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của vector SXHD. Vào mùa mưa, các chỉ số về mật độ muỗi cái Aedes aegypti có xu hướng tăng cao hơn (r = 0,65). Đối với vector truyền bệnh sốt rét, sự biến đổi về nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng tới sự phát triển của muỗi Anopheles epiroticus. Số lượng muỗi Anopheles epiroticus có mối tương quan nghịch với nhiệt độ (r = -0,83) và tương quan thuận với độ ẩm (r = 0,68).

46

10

Giáo dục biến đổi khí hậu cho học sinh trung học ở Đồng bằng sông Cửu Long thông qua phương pháp tiếp cận đa phương tiện

TS. Đào Ngọc Hùng- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng đã, đang và sẽ chịu tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Chính vì vậy người dân địa phương cần phải hiểu rõ bản chất BĐKH, tác động của BĐKH và các kĩ năng ứng phó. Để giáo dục ứng phó với BĐKH hiệu quả, cần sử dụng các công cụ phù hợp trong giáo dục. Sử dụng công cụ đa phương diện ứng dụng trong giáo dục BĐKH cho học sinh trung học ở vùng ĐBSCL thông qua việc đưa ra các câu hỏi cho học sinh qua 8 phương diện sẽ giúp cho học sinh có một cái nhìn tổng thể, toàn diện và có cách tiếp cận liên môn về ảnh hưởng của BĐKH và từ đó sẽ tạo cho người học xác định được phương hướng hợp lí trong ứng phó BĐKH.

51

11

Một số đặc trưng bùn cát lưu vực sông Đà

TS. Nguyễn Kiên Dũng – Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Bồi dưỡng nghiệp vụ khí tượng hủy văn và môi trường

Ba hồ chứa lớn trên lòng chính sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), nhiều hồ chứa vừa và nhỏ trên các sông nhánh đã, đang và sẽ làm thay đổi mạnh mẽ chế độ thủy văn, thủy lực, bùn cát vùng hạ lưu. Bài báo này tổng kết một số đặc trưng bùn cát lưu vực sông Đà trên cơ sở phân tích số liệu thực đo. Đây là cơ sở khoa học, tài liệu tham khảo cho việc tính toán bồi lắng và đề xuất các biện pháp kéo dài tuổi thọ của các hồ chứa trên lưu vực sông Đà.

56

12

Tóm tắt tình hình khí tượng, khí tượng nông nghiệp và thủy văn tháng 8 năm 2014- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

59

13

Thông báo kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số tỉnh, thành phố tháng 8 năm 2014- Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường

68

 

 
Tin tiêu điểm
Tin mới nhất